T6, 03/09/2021 09:37

Kiên Giang: Kiểm soát chặt hoạt động khai thác

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Để chấn chỉnh lại hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, ven đảo, nâng cao nhận thức cộng đồng về tái tạo nguồn lợi thủy sản; UBND tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, ven đảo.

Nguồn lợi suy giảm

Ngư trường của Kiên Giang nằm trong vùng biển Tây, với 200 km bờ biển và hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ, nên khai thác thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Với ngành nghề này đã tạo việc làm, ổn định thu nhập cho hàng chục nghìn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo cho hàng nghìn gia đình.

Tuy nhiên, theo ngư dân chi phí cho mỗi chuyến biển đã tăng rất nhiều so với trước đây; trong khi ngư trường gần như không còn cá, tàu phải ra rất xa, thời gian và chí phí tăng lên nhưng lợi nhuận lại giảm.

Không cho rằng cạn kiệt đến mức báo động, nhưng theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Tây dần cạn kiệt, nhất là những sản phẩm lớn, có giá trị kinh tế cao. Nguyên nhân do lượng tàu khai thác ở Kiên Giang tăng nhanh – với 9.881 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên, đội tàu khai thác hải sản 9.433 chiếc, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá 448 chiếc. Trong đó, tàu có chiều dài từ 15 m trở lên là 3.990 chiếc, chiếm gần 13% số tàu cá cả nước và hơn 40% tàu cá vùng ĐBSCL. Trong số này tàu khai thác gần bờ vẫn còn số lượng lớn, nhiều tàu khai thác sử dụng công cụ hủy diệt môi trường, nguồn lợi như: cào có gắn xung điện, cào bờ, sử dụng lưới mắt nhỏ hơn quy định, nạn xiệp mé cũng tái hoạt động trở lại… Tuy nhiên đáng lo ngại nhất vẫn là tình trạng khai thác sử dụng dụng cụ hủy diệt và sử dụng nghề khai thác cấm…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, Kiên Giang là tỉnh có ngư trường khai thác rộng lớn, tình trạng khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài; tranh chấp ngư trường khai thác với nhau, giữa nghề khai thác và nuôi trồng thường xuyên diễn ra gây mất an ninh trật tự, an toàn trên biển; tình trạng khai thác thủy sản ven bờ mang tính hủy diệt còn nhiều nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để.

Giải pháp cấp bách

Trước thực trạng trên, việc UBND tỉnh Kiên Giang triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, ven đảo là việc làm cấp thiết. Theo kế hoạch thanh tra, Sở NN&PTNT là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tiến hành thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra chung theo từng đợt. Mỗi đợt thanh, kiểm tra là 30 ngày, kể từ tháng 7 – 12/2021.

Theo đó, tiến hành kiểm tra và xử lý các phương tiện sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản; các phương tiện làm nghề cấm khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, ven đảo; các phương tiện hoạt động khai thác không đăng ký, đăng kiểm, không giấy phép khai thác và hoạt động khai thác vùng, sai nghề…

Ông Nguyễn Thanh Nhàn đề nghị lãnh đạo các sở ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc cấp tỉnh, các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về thủy sản, các văn bản thi hành Luật Thủy sản 2017, đặc biệt là Nghị định 42/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Đặc biệt, thực hiện tốt công tác quản lý các phương tiện đánh bắt dưới 12 m được phân cấp quản lý, không để phát sinh tàu chưa đăng ký tại địa phương. Đối với kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra chung trong hoạt động khai thác thủy sản vùng biển ven bờ, ven đảo, các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả, đến tháng 9/2021 tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm cấp huyện và cấp tỉnh; cuối tháng 12/2021 tiến hành tổng kết, xây dựng kế hoạch cho năm 2022.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!