Kiên Giang: Mất nguồn tiêu thụ mực khô, hàng loạt tàu cá nằm bờ

Chưa có đánh giá về bài viết

Ông Trương Văn Ngữ – Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, từ hơn 2 tháng nay 10 cặp “cào đôi” (mỗi cặp 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 450 – 600 CV) của gia đình ông đã phải nằm bờ do thua lỗ. Theo thống kê của Hội Nghề cá Rạch Giá thì trong tổng số 2.000 chiếc tàu của hội viên, đến thời điểm hiện tại khoảng 40% đang phải nằm bờ vì không tiêu thụ được mực khô, trong khi mặt hàng này chiếm tới 70% tổng sản lượng đánh bắt.

Ông Dương Thế Dẫn, ngụ phường Vĩnh Bảo (Rạch Giá – Kiên Giang) buồn bã nói: “Nhà tôi có 2 cặp “cào đôi” tổng công suất 1.800 CV, mỗi chuyến ra khơi 30 ngày tốn 35 ngàn lít dầu tính ra khoảng 700 triệu, chi phí nước đá, thực phẩm, tiền ứng trước cho ngư phủ thêm khoảng 300 triệu nữa là ngót nghét 1 tỉ đồng. Giá bán khô mực trước kia khoảng 350.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí mỗi chuyến biển còn lời được vài chục triệu để chia cho ngư phủ và đóng lãi ngân hàng. Nhưng mấy tháng nay giá bán cá các loại đồng loạt giảm 15%, giá khô mực thì giảm chỉ còn chừng 210.000 đ/kg mà thương lái cũng từ chối mua vì kho đã đầy. Kiểu này chắc phải cho tàu nằm bờ, chứ đâu có tiền đổ dầu mà ra khơi tiếp”.

40% trong tổng số 2000 chiếc tàu của hội viên Hội Nghề cá thành phố Rạch Giá đang phải nằm bờ.

Ông Nguyễn Văn Hỏi (ngụ phường Vĩnh Lạc) còn thê thảm hơn ông Dẫn bởi nhà có tới 06 cặp tàu. Ông Hỏi bày tỏ: “Đoàn tàu của nhà tôi bán khô mực cho mối quen đã nhiều năm. Vài năm trở lại đây mực hút hàng và có giá bởi thương lái Trung Quốc mua gom số lượng lớn. Tàu vô bờ bán mực khô chỉ 2 – 3 ngày là có tiền để chia cho anh em ngư phủ, mua sắm vật dụng đổ dầu ra khơi tiếp. Nhưng khoảng 3 tháng nay thì bán không ai mua. Bán giá rẻ đã đành, đằng này vựa thu mua nói thẳng là chỉ gom vào với điều kiện… không được đòi tiền, khi nào có họ sẽ thanh toán cho mình, đồng ý thì bán không đồng ý thì thôi. Làm nghề biển lâu năm, nên tôi biết ít nhất 80% chủ tàu cá phải vay nợ ngân hàng để có vốn mà bám biển. Mấy hôm nay nghe nói Chính phủ áp trần lãi suất huy động 9%, giảm lãi suất cho vay xuống còn 13% anh em ngư dân ai cũng mừng. Nhưng tới ngân hàng thì họ chỉ giảm nhỏ giọt từ từ mỗi tháng một ít, lãi suất hiện nay vẫn ở mức 16,85%/tháng. Tàu nằm bờ mà phải trả lãi vay cao ngất ngưỡng cộng thêm trả nợ gốc tới hạn thì chỉ còn đường bán tàu, bán nhà”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chuyển đổi sang đánh bắt các loại hải sản khác thay cho mực, ông Trần Hon – Phó chủ tịch Hội Nghề cá Rạch Giá cho rằng việc này rất khó khả thi. Bởi phần lớn các cặp tàu “cào đôi” đánh bắt xa bờ có chi phí đầu tư lên tới hàng tỉ đồng mỗi chiếc, công năng khai thác cũng đã xác định từ đầu là chỉ để cào mực, nay muốn chuyển đổi công năng cũng coi như đóng mới tàu khác. Mặt khác, loại hải sản chủ yếu của ngư trường Kiên Giang và các vùng biển trong nước cũng chỉ có mực.

Ông Trương Văn Ngữ cho biết thêm từ vài năm trở lại đây, khô mực chủ yếu xuất cho thương lái Trung Quốc, các thị trường Campuchia, Thái Lan tiêu thụ không đáng kể. Thương lái Trung Quốc mua khô mực khá dễ dãi, loại nào cũng mua, thanh toán sòng phẳng nên dần dần họ gần như trở thành khách hàng độc quyền. Nay họ ngưng tiêu thụ đột ngột khiến ngư dân kẹt cứng, bế tắc không biết tiêu thụ sản phẩm cho ai. Tàu cá nằm bờ chủ tàu mang nợ khổ sở là một chuyện, nhưng đáng lo ngại nhất là hàng ngàn lao động sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp.

Trao đổi qua điện thoại di động của ông Trương Văn Ngữ, ông Đẩu – chủ một doanh nghiệp thu mua hải sản tại Rạch Giá cho biết, lâu nay doanh nghiệp này gom khô mực của ngư dân để bán ra chợ và xuất đi các tỉnh khác. Gần đây có một người Trung Quốc đến gom hàng mỗi tháng khoảng 30 tấn. Nhưng hơn 2 tháng nay thương lái này bỏ về nước không mua khô mực nữa mà không nói rõ lý do, tiền nợ thì chưa thanh toán dứt điểm. Hiện nay lượng hàng còn tồn kho của doanh nghiệp này lên tới mấy chục tấn, nên sắp tới sẽ tạm ngưng thu mua khô mực.

Ông Trương Văn Ngữ cho biết, Hội Nghề cá Rạch Giá đã dự thảo công văn gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang để trình bày khó khăn và nêu các kiến nghị của tập thể hội viên. Theo ông Ngữ, về lâu dài, Hội đã tính đến việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng nhằm đưa hoạt động đánh bắt, sơ chế hải sản trên biển vào quy trình ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo tiền đề cho việc xúc tiến mở rộng thị trường, phá thế độc quyền của thương lái Trung Quốc.

Còn ông Nguyễn Văn Hỏi thì kiến nghị: “Ngư dân tụi tôi chỉ mong nhà nước xem xét yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, trường hợp nào khó khăn quá thì xin được gia hạn trả nợ để có thời gian tiêu thụ lượng sản phẩm tồn đọng, tiếp tục bám biển làm ăn sinh sống”.

Quốc Bình

Theo Kiên Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!