(TSVN) – Một số ngư dân tỉnh Kiên Giang cho rằng, tâm thư của Chủ tịch UBND tỉnh đã có tác động đến việc chống khai thác IUU, khi đi đánh bắt ngoài khơi, ngư dân cũng đưa vấn đề này lên Icom cộng đồng để thảo luận. Bên cạnh đó là Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh công khai số điện thoại cá nhân để làm đường dây nóng.
Từ các cảng biển của TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, băng qua vịnh Thái Lan, phía đối diện là vùng Nakhon Si Thammarat của Malaysia. Trong quá khứ, điểm nối giữa 2 bờ này xa xôi vạn dặm, nhưng khi tàu đánh cá của ngư dân đã phát triển hiện đại, chạy tốc độ cao, mỗi chuyến đi khơi vượt vài trăm hải lý thì 2 điểm này không còn quá xa, nên trở thành nguy cơ tàu cá vi phạm IUU.
Ngư dân Nguyễn Tám, quê ở tỉnh Bình Định, vào lưu trú tại các cảng biển ở TP Rạch Giá, vừa từ ngoài khơi trở về trên chiếc tàu sơn màu xanh, viền vàng khá rực rỡ. Tuy vậy, con tàu có chiều dài dưới 15 m nên không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đối với các cơ quan quản lý, nỗi lo lắng hiện nay tập trung vào loại tàu nhỏ này. Anh Tám cho biết, bà con bây giờ đã có ý thức, vì Nhà nước quy định, lãnh đạo địa phương thì có thư kêu gọi.
Cán bộ Trạm kiểm soát biên phòng Kênh Dài kiểm tra các thiết bị gắn trên tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định. Ảnh: Lê Văn Chương
Tâm thư của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành với những lời kêu gọi rất tha thiết: “…Tỉnh ủy, UBND tỉnh kêu gọi bà con, đặc biệt là chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân hãy tích cực hưởng ứng lời kêu gọi này, thực hiện tốt kế hoạch hành động 180 ngày của Chính phủ, nhất quyết không đưa tàu đi khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài; đảm bảo đầy đủ thủ tục hành chính trước khi đưa tàu đi đánh bắt; mở liên tục thiết bị giám sát hành trình trong suốt thời gian đánh bắt trên biển…”.
Tâm thư của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thường được dán ngay trong khoang cabin, bên cạnh vị trí của thuyền trưởng, hàng ngày các ngư dân có thể theo dõi thuận tiện. Ngư dân Trần Văn Thành, là người địa phương cho biết, Chủ tịch tỉnh hết lòng như thế thì bà con ngư dân phải ủng hộ, mỗi khi tàu bị chập chờn tín hiệu giám sát hành trình là mọi người cũng lo lắng rồi.
Những cán bộ biên phòng làm công tác kiểm tra, kiểm soát ở Trạm kiểm soát Kênh Dài, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, bên cạnh việc kiểm tra thư của Chủ tịch UBND tỉnh trên tàu, đơn vị công khai đường dây nóng để bà con ngư dân phản ánh tình hình. Tại Trạm kiểm soát biên phòng, sau khi thực hiện các thủ tục đăng ký, kiểm chứng, thuyền trưởng Mai Kim Tới, quê ở tỉnh Bình Định còn được hướng dẫn xem qua bảng thông báo đặt tại phòng làm việc, trong đó có nội dung công khai số điện thoại của Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang là Đại tá Võ Văn Sử.
Theo thống kê của UBND tỉnh Kiên Giang, từ năm 2018 đến năm 2021 đã có 269 tàu cá và 2.668 ngư dân Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 139 trường hợp đối với 234 tàu cá, số tiền gần 40 tỷ đồng và trong 2 năm (2020 – 2021) xử lý tịch thu 52 tàu cá theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Từ tháng 9/2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp tàu cá nào vi phạm IUU. Hiện nay công tác phòng chống khai thác IUU được triển khai quyết liệt và thực chất. Thuyền trưởng Mai Kim Tới và các ngư dân đi trên tàu cho biết, đã đi qua rất nhiều tỉnh, thành, cập vào cửa biển các tỉnh từ Khánh Hòa, tới Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau…, nhưng chưa thấy nơi nào việc triển khai chống khai thác IUU quyết liệt như ở Kiên Giang.
Thuyền trưởng Mai Kim Tới cho biết, mỗi phiên biển tốn 2.000 lít dầu, thông qua cò tuyển được 6 ngư dân và trả lương chuyến (từ 5 – 7 triệu đồng/ngư dân), chi phí tiền môi giới ngư dân là 600.000 đồng/người. Tính ra đánh bắt phải thu về 8 triệu đồng/đêm thì mới vừa đủ tổn phí. Các ngư dân cho biết, cố gắng đánh bắt thành công sẽ là chìa khóa giảm bớt các vụ việc tàu cá vi phạm IUU. Vì vậy ngành thủy sản nên tăng cường việc tái tạo nguồn lợi, thả cá giống, rạn san hô nhân tạo như ở Cà Mau.
Ngư dân Nguyễn Văn Có và các ngư dân bình luận về một số đoạn trong lá thư kêu gọi rất dồn dập như: “UBND tỉnh đánh giá rất cao sự hợp tác của bà con trong thời gian qua, nhưng điều đó vẫn chưa đủ điều kiện để gỡ “thẻ vàng” của EC, vì vậy đề nghị bà con nghiêm chỉnh thực hiện. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. Nhiều ngư dân chia sẻ, chính quyền kêu gọi quá nên cũng tác động nhiều tới ý thức của họ, bằng chứng là ra biển đánh cá, các ngư dân thường nhắc đi nhắc lại việc “đừng làm gì sai, vì thư ngày nào cũng thấy trước mắt, trong cabin”.
Lê Văn Chương