Kiên Giang: Nỗ lực tái cơ cấu ngành thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Kiên Giang là tỉnh có nhiều lợi thế về thủy sản. Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh này, thời gian qua tỉnh đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển lĩnh vực này theo hướng an toàn, bền vững, tăng chất lượng giá trị sản phẩm.

Giảm số lượng tàu cá

Kiên Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển ngành khai thác thủy sản. Ngư trường khai thác rộng 63.290 km2 tiếp giáp với một số nước trong khu vực như: Campuchia, Thai Lan, Malaysia, Indonesia… Hiện, toàn tỉnh có hơn 9.500 tàu cá, trong đó khoảng 3.700 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên khai thác ở vùng khơi, còn lại có công suất vừa và nhỏ khai thác chủ yếu ở vùng lộng, vùng bờ và các phương tiện công suất nhỏ khai thác ở vùng ven bờ. Ngoài ra còn có khoảng 1.000 tàu cá/năm của các tỉnh khác hoạt động tại đây.

Tỉnh Kiên Giang sẽ tái cấu trúc ngành thủy sản theo hướng cắt giảm số lượng tàu cá. Ảnh: Văn Dương

Năm 2023, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh ước đạt gần 437.200 tấn. Hoạt động khai thác góp phần không nhỏ trong tăng trưởng GDP và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Thế nhưng, những năm gần đây, ngành khai thác thủy sản của Kiên Giang đang phải đối mặt với nhiều thử thách. Điển hình là hiệu quả đánh bắt giảm dần, thậm chí thua lỗ do nguồn lợi thủy sản suy giảm, cường lực khai thác tăng, chi phí sản xuất tăng cao, lao động trực tiếp trên biển khan hiếm do thu nhập thấp… Cùng đó, vẫn còn xuất hiện tình trạng tàu cá khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Để xây dựng nghề cá có trách nhiệm, tỉnh Kiên Giang sẽ tái cấu trúc ngành thủy sản theo hướng cắt giảm số lượng tàu cá, sắp xếp lại ngành khai thác phù hợp, bảo đảm sinh kế cho ngư dân gắn với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Theo đó, những năm tới, chú trọng phát triển nghề lưới vây khơi, câu khơi, từng bước xóa bỏ các nghề khai thác ven bờ mang tính hủy diệt, sử dụng chất nổ, xung điện. Đối với nghề lưới kéo, giai đoạn 2023 – 2030, tỉnh không cấp văn bản chấp thuận đóng mới và mua bán từ tỉnh khác, hướng đến hết năm 2030 các tàu có chiều dài dưới 15 m làm nghề lưới kéo chuyển đổi sang nghề lưới vây và nghề câu…

Cùng đó, tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; đầu tư nâng cấp hạ tầng hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão phục vụ phát triển ngành thủy sản sau chuyển đổi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường, giám sát hoạt động tàu cá…

Nuôi tôm công nghiệp bền vững

Tôm nước lợ là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của Kiên Giang. Hiện, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh đứng thứ 2 trên cả nước. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp của địa phương này lại phát triển chậm, xếp thứ 7 trong các tỉnh ĐBSCL. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Kiên Giang, năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh đạt 136.241 ha; trong đó, diện tích nuôi công nghiệp và bán công nghiệp khoảng 4.341 ha.

Mặc dù mô hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp đã giúp nhiều hộ nông dân từ nghèo khó trở nên khấm khá. Thế nhưng, mô hình này hiện đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, khiến cho việc mở rộng diện tích còn chậm.

Theo ông Trần Minh Tâm, hộ nuôi tôm tại xã Thuận Yên (TP Hà Tiên), nghề nuôi tôm công nghiệp ngày càng trở nên khó khăn. Bởi ngoài những nguyên nhân khách quan về điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất thì quy hoạch vùng nuôi chưa đồng bộ, hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu, con giống tôm kém chất lượng… là những yếu tố khiến kết quả nuôi không đạt hiệu quả cao. 

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho rằng, để phát triển bền vững nghề nuôi tôm công nghiệp, Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát, nghiên cứu kỹ các chính sách, tạo điều kiện để hộ nuôi, doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư mở rộng quy mô sản xuất tôm công nghiệp; phát triển mạnh mô hình nuôi tôm nước lợ theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác (GlobalGAP, BAP, ASC…) theo yêu cầu thị trường xuất khẩu; sử dụng mã vạch, mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vùng nuôi tôm nước lợ. Hoàn chỉnh hệ thống cống điều tiết nước chủ động ở các vùng tập trung để phục vụ sản xuất, nhất là phục vụ các mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng lúa. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ tôm giống nhập tỉnh. Triển khai hiệu quả công tác quan trắc môi trường, khai thác tốt hệ thống quan trắc môi trường nước tự động ở vùng nuôi thủy sản tập trung…

>> Năm 2024 tỉnh Kiên Giang có kế hoạch về sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 800.000 tấn, giảm 40.000 tấn so với năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản 435.000 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản các loại đạt 365.000 tấn. Riêng sản lượng tôm nuôi đạt 130.000 tấn, tăng khoảng 9.000 tấn so với năm 2023.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!