Kiên Giang: Nuôi trồng thủy sản gặp nhiều bất lợi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang thực hiện nhiều giải pháp để nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, hiệu quả.

Theo Cục Thống kê Kiên Giang, tháng 6/2024, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang không khả quan do nhiều khó khăn, bất lợi từ thời tiết. Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, độ mặn tăng làm cho môi trường nuôi bất lợi dẫn đến tôm nuôi xuất hiện một số loại bệnh như: bệnh do sốc môi trường, bệnh đốm trắng, bệnh EMS… Tuy nhiên, nhờ vào sự chuẩn bị tốt của người nuôi tôm, kịp thời khai báo dịch bệnh với Phòng NN&PTNT ở các huyện, nên đã kịp thời khống chế, dập tắt dịch bệnh, làm giảm tình trạng lây lan dịch bệnh trên tôm nuôi. 

6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 147.711 tấn, đạt 40,47% kế hoạch năm và tăng 2,25% so cùng kỳ năm trước. Trong đó cá nuôi tăng 4,76% (tăng 1.486 tấn) so cùng kỳ và đạt 27,63% kế hoạch năm; tôm các loại tăng 2,29% (1.377 tấn) so cùng kỳ và đạt 47,29% kế hoạch năm. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng so cùng kỳ năm trước trên 3 nhóm thủy sản chính gồm: cá các loại, tôm các loại và thủy sản khác, tăng là do nông dân xuống giống nhiều diện tích nuôi các loại có giá trị như tôm, cua, sò huyết. Mặt khác, vùng ven biển cũng được mở rộng diện tích nuôi các loài nhuyễn thể như hàu, sò lông, vẹm xanh, nghêu… và một số loài cá lồng bè trên biển.

Thời tiết bất lợi khiến dịch bệnh xuất hiện trên tôm nuôi. Ảnh: SGGP

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010) tháng 6/2024 ước đạt 4.367,93 tỷ đồng, tăng 14,86% so tháng trước, giảm 2,78% so cùng kỳ năm trước, giá trị nuôi trồng tăng 9,28% so tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 16.001,38 tỷ đồng, đạt 44,73% kế hoạch năm, tăng 1,59% so cùng kỳ năm trước, giá trị nuôi trồng tăng 3,07% so cùng kỳ.

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang thực hiện nhiều giải pháp để nuôi trồng thủy sản ổn định, hiệu quả. Theo đó, ngành thủy sản tỉnh cùng với các huyện, thành phố đẩy mạnh quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi; cập nhật thông tin kết quả quan trắc môi trường nước và cảnh báo dịch bệnh trên thủy sản của cơ quan chuyên môn để kịp thời thông báo đến người nuôi thủy sản để chủ động ứng phó sản xuất an toàn, ngăn chặn, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra. 

Các doanh nghiệp và người dân thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật ứng phó tình hình thời tiết nắng nóng, mưa dông bất thường và áp thấp nhiệt đới, bão, lũ. Thả giống nuôi tôm theo lịch thời vụ khuyến cáo, thiết kế hệ thống ao, đầm, ruộng nuôi hoàn chỉnh đảm bảo điều kiện nuôi trồng thủy sản theo quy định. Chủ động áp dụng công nghệ nuôi mới vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất vụ nuôi và chất lượng sản phẩm, đồng thời, quan tâm sử dụng các sản phẩm vật tư đầu vào như tôm giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, sản phẩm cải tạo môi trường… có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng nhằm tạo môi trường ổn định, tăng sức đề kháng cho động vật thủy sản nuôi. Cùng đó, tham gia liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, môi trường và tình hình dịch bệnh tại địa phương để kịp thời ứng phó khi có tình huống bất lợi xảy ra.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!