Kiên Giang: Phấn đấu sản lượng thủy sản cả năm trên 365.000 tấn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong 7 tháng đầu năm nay, sản lượng thủy sản nuôi trồng của Kiên Giang khoảng hơn 195.700 tấn, đạt 53,62% kế hoạch năm và tăng 7,25% so với cùng kỳ. Trong số đó, tôm nuôi nước lợ thu hoạch 82.085 tấn, đạt 63,14% kế hoạch năm và tăng 8,52% so cùng kỳ năm ngoái.

Khai thác giảm, nuôi trồng tăng

Theo Cục Thống kê Kiên Giang, giá trị sản xuất thủy sản trong tháng 7 ước tính đạt 3.991,70 tỷ đồng, giảm 7,36% so với tháng trước và tăng 9,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị khai thác giảm 5,69% so tháng trước, giảm 5,17% so tháng cùng kỳ; giá trị nuôi trồng giảm 8,07% so tháng trước, tăng 17,50% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, giá trị khai thác đạt 54,84% kế hoạch năm và giảm 1,59%; giá trị nuôi trồng đạt 56,42% kế hoạch năm và tăng 5,81% so với cùng kỳ.

Sản lượng thủy sản 7 tháng đầu năm của Kiên Giang so với cùng kỳ năm 2023

Ước tính sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng tháng 7 đạt 78.388 tấn, tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 2,27% so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 36.362 tấn, giảm 2,19% so với tháng trước và giảm 5,88% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng nuôi trồng đạt 42.026 tấn, tăng 2,42% so với tháng trước và tăng 10,56% so với tháng cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng do một số loài thủy sản như tôm, cua, cá, hến, vẹm… bước vào thời điểm thu hoạch.

Tính chung 7 tháng, sản lượng khai thác và nuôi trồng của Kiên Giang đạt 441.679 tấn, đạt 55,21% kế hoạch năm và tăng 2,22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 245.974 tấn, đạt 56,55% kế hoạch năm và giảm 1,46% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng đạt 195.705 tấn, đạt 53,62% kế hoạch năm và tăng 7,25% so với cùng kỳ. 

Riêng sản lượng thủy sản nuôi trồng của Kiên Giang tăng so với cùng kỳ trên 3 nhóm thủy sản, bao gồm cá các loại, tôm các loại và thủy sản khác. Các sản phẩm thu hoạch chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và tôm sú và một số loài nhuyễn thể khác như cua, ốc hương, hàu, nghêu, một số loài cá lồng bè trên biển như cá chẽm, cá mú, cá bớp,…

Tích hợp nhiều giải pháp

Được biết, năm 2024, tỉnh Kiên Giang phấn đấu sản lượng thủy sản đạt trên 365.000 tấn. Để đạt được mục tiêu này, Sở NN&PTNT Kiên Giang phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi, cập nhật thông tin kết quả quan trắc môi trường nước và cảnh báo dịch bệnh trên thủy sản đến người nuôi. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, hướng dẫn cơ sở nuôi thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật, biện pháp phòng chống và khắc phục thiệt hại do mưa bão và biến động bất thường của thời tiết gây ra để ổn định sản xuất.

Người nuôi tôm Kiên Giang chuẩn bị cho vụ tôm mới. Ảnh: P.V.Thái

Trong đó, khuyến khích người dân thực hiện nuôi tôm, nuôi trồng thủy sản đạt kích thước lớn để gia tăng sản lượng và giá trị của sản phẩm nuôi như: nuôi tôm size 10 – 20 con/kg, nuôi cua theo hướng nuôi cua gạch; nuôi sò huyết size từ 20 – 30 con/kg…Đồng thời, nhân rộng các mô hình nuôi tôm 2 hoặc 3 giai đoạn, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học và áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cùng với đó, ngành chức năng phối hợp với các địa phương vận động người nuôi thủy sản tham gia hình thành các tổ chức liên kết sản xuất nhằm giảm chi phí, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, kiểm soát chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Mặt khác, hướng dẫn người nuôi lựa chọn con giống chất lượng tốt, tăng cường kiểm tra con giống nhập tỉnh và lưu thông trên thị trường, nhằm ngăn chặn tình trạng giống kém chất lượng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất vụ nuôi.

Ngoài ra, địa phương cũng thường xuyên khuyến cáo người nuôi áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tác động bất lợi của thời tiết đến hoạt động sản xuất, kiểm soát tốt các yếu tố môi trường trong ao nuôi, duy trì mực nước ao nuôi thích hợp, triển khai và nhân rộng các mô hình hiệu quả, mô hình kinh tế dưới tán rừng gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị, mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ dưới tán rừng nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm. 

Minh Khuê

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!