Kiên Giang: Phát triển bền vững nuôi cá biển lồng bè

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Năm 2023, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu nuôi cá lồng bè trên biển với 4.000 lồng, sản lượng 4.100 tấn. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã phát triển hơn 3.530 lồng, đạt 88,4% kế hoạch, tăng 22% so cùng kỳ.

Cá nuôi cho giá trị cao

Tỉnh có nhiều tiềm năng nuôi cá biển. Điển hình vùng biển Kiên Hải (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) kín gió, phù du nhiều, nguồn thức ăn cho cá nuôi rất dồi dào để phát triển nghề nuôi cá lồng. Năm 2023, huyện đặt mục tiêu phát triển 1.200 lồng bè, sản lượng thu hoạch 1.250 tấn cá. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã phát triển 1.130 lồng nuôi, sản lượng cá thu hoạch hơn 200 tấn, hầu hết các lồng cá còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.

Bên cạnh các loài cá như: cá bớp, cá mú, cá mú trân châu, cá chim vây vàng… nông dân một số khu vực ven các đảo thuộc huyện Kiên Hải còn nuôi hàu, vẹm xanh… Các mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và lợi nhuận khá cho nông dân.

Nuôi cá biển lồng bè cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Vinh Tâm

Theo ông Lê Văn Xẻo, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Đạt (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), hợp tác xã hiện có 10 thành viên nuôi hơn 100 lồng với nhiều loại cá như: cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, cá mú trân châu… Tuy nhiên, theo ông Xẻo, cá bớp và cá mú là 2 loài nuôi ít thiệt hại, sinh trưởng tốt và lợi nhuận nhiều hơn so với những loài cá khác.

Nhiều hộ nuôi trên địa bàn huyện Kiên Hải nuôi cá hiệu quả, một số loài cá được nuôi chủ yếu như: cá mú, cá bớp, cá tai tượng nước mặn… kết hợp với phục vụ các món ẩm thực từ cá tại bè, trung bình mỗi năm hộ nuôi nơi đây thu nhập tiền tỷ..

Hướng phát triển bền vững

Để nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh đã và đang khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nuôi biển giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh ưu tiên bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển như cá lồng bè, nhuyễn thể, đối tượng thủy sản khác theo hướng tập trung, liên kết sản xuất bền vững, gắn với giao khu vực biển, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi lồng bè trên biển theo quy định.

Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi gắn với quan trắc môi trường nước và năng cao năng lực chẩn đoán, cảnh báo dịch bệnh trên thủy sản; tổ chức tập huấn, hướng dẫn người nuôi phòng, trị bệnh trên đàn cá nuôi.

Tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong nuôi biển năm 2023 và xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình khuyến nông thúc đẩy nuôi biển từ nay đến năm 2030. Đặc biệt, ưu tiên mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật về vật liệu mới như kết cấu lồng nuôi bằng nhựa HDPE, lồng lưới chịu lực, sử dụng thiết bị máy móc phụ trợ, chiếu sáng trên bè bằng năng lượng mặt trời…

Địa phương cũng khuyến khích triển khai nhân rộng phát triển liên kết chuỗi sản xuất, nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, nuôi cá lồng bè sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn cá tạp, khuyến cáo hộ nuôi cá đầu tư lồng nuôi bằng vật liệu HDPE thay thế lồng gỗ truyền thống…

Cùng với đó, tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn các quy định pháp luật về đăng ký, cấp phép nuôi biển, phổ biến những nội dung quan trọng của đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 cho các tổ chức và hộ dân.

Thái Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!