Kiên Giang: Phát triển nuôi trồng thủy sản tại Kiên Lương

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang là địa phương có điều kiện tốt để phát triển ngành thủy sản đa dạng, nhất là nuôi cá lồng bè, nuôi tôm công nghiệp, sinh thái. Địa phương đã luôn chú trọng các giải pháp đầu tư hạ tầng vùng nuôi, khuyến khích tạo điều kiện áp dụng và nhân rộng nhiều mô hình nuôi thủy sản hiệu quả, mang lại giá trị cao cho người dân.

Nuôi tôm hiệu quả

Kiên Lương được xem là thủ phủ của ngành tôm công nghiệp của tỉnh Kiên Giang; diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện chiếm 60,7% diện tích và 66% sản lượng tôm công nghiệp của cả tỉnh. Thời gian qua, tình hình nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển khá nhanh và đạt hiệu quả khá cao. Đến cuối năm 2023, diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn huyện đạt 2.800 ha với 120 hộ nuôi và 4 doanh nghiệp, tổng sản lượng đạt 28.892 tấn. Diện tích nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 884 ha, với 65 hộ và 4 doanh nghiệp nuôi, năng suất bình quân 20 – 25 tấn/ha/vụ, sản lượng 15.600 tấn, đóng góp khoảng 54% trong tổng sản lượng tôm nuôi công nghiệp, bán công nghiệp của huyện năm 2023.

Nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Văn Phụng 

Thời gian qua, địa phương đã phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, sở, ngành liên quan hoàn chỉnh hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Bình Trị. Phòng Kinh tế huyện phối hợp ngành chức năng tỉnh tổ chức hội thảo, tập huấn, xây dựng đề tài, dự án, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả về nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Từ đó, các hộ nuôi tôm cơ bản nắm vững quy trình kỹ thuật, mạnh dạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và hiệu quả ngày càng được nâng lên.

Để đạt hiệu quả cao và bền vững trong phát triển nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, nhất là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thời gian tới huyện đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện, thủy lợi, xây dựng các vùng nuôi tập trung, hệ thống cấp thoát nước riêng biệt cho các vùng nuôi. Cùng đó, đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, khuyến khích người dân mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nhất là các mô hình thân thiện với môi trường, an toàn sinh học. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các tổ sản xuất như cụm nuôi tôm siêu thâm canh, củng cố, kiện toàn, nâng chất hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác theo hướng sản xuất tập trung để trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau trong sản xuất, tránh sản xuất theo hướng riêng lẻ, manh mún, kém hiệu quả.

Cùng với thế mạnh nuôi tôm công nghiệp, hình thức nuôi tôm sinh thái cũng ngày một phát triển hiệu quả tại huyện Kiên Lương. Ông Nguyễn Hữu Thành, Huyện ủy viên, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, mô hình lúa – tôm phù hợp với hướng đi sản xuất lúa gạo bền vững hiện nay do giảm được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học chất lượng sản phẩm tăng, đầu ra ổn định, đa số sản lượng lúa làm ra đều được ký kết hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ. Thời gian tới, huyện sẽ quan tâm hỗ trợ nhân rộng mô hình, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, cũng như hệ thống thủy lợi, vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã. Thực hiện tiếp tục đưa các chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho tổ hợp tác, hợp tác xã. Xây dựng các mã số vùng trồng lúa – tôm, quan tâm tới sản xuất lúa hữu cơ bắt đầu từ mô hình luân canh này.

Nuôi biển bền vững

Tháng 12/2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Đề án Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Với định hướng là tập trung đầu tư, phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên biển, nuôi nhuyễn thể vùng bãi triều, ven biển theo chiều sâu, nuôi biển công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản, kết hợp với tham quan du lịch. Theo Đề án phê duyệt, huyện Kiên Lương là một trong những vùng nuôi biển của tỉnh. Như vậy, triển khai thực hiện đề án trên, đến nay, huyện Kiên Lương phát huy thế mạnh của địa phương cụ thể tính riêng năm 2023 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 64.000 tấn, dự kiến năm 2024 sản lượng đạt 66.800, trong đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhân rộng mô hình nuôi biển, nuôi trồng thủy sản ven biển, bãi bồi.

Kiên Lương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhân rộng mô hình nuôi biển, nuôi trồng thủy sản ven biển. Ảnh: Văn Phụng

Sơn Hải là địa phương có phong trào nuôi biển phát triển mạnh tại Kiên Lương. Theo số liệu thống kê vào cuối năm 2023, xã Sơn Hải có trên 100 hộ nuôi trồng, chủ yếu là cá bóp, bống mú và ốc hương, tập trung ở cả 2 ấp Hòn Heo và Hòn Ngang. Để thực hiện nuôi biển hiệu quả, chính quyền địa phương đang định hướng người dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo đảm an toàn từ đầu vào nguyên liệu, đến đầu ra sản phẩm, không bị áp lực vốn mua thức ăn. Đặc biệt, người nuôi được hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia, nhà khoa học, được chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt, rủi ro trong quá trình nuôi, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Hải Lý

Thông tin tại buổi làm việc Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang với Ban Thường vụ Huyện ủy Kiên Lương sáng 20/5; kinh tế biển của huyện Kiên Lương sau 5 năm thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết 36-NQ/TW và Chương trình hành động số 47-CTr/TU đạt nhiều kết quả tích cực. Giá trị sản xuất ngành thủy sản có tốc độ tăng trưởng bình quân 8,54%.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!