(TSVN) – Theo Cục Thống kê Kiên Giang, sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng tháng 11 của tỉnh ước đạt 68.547 tấn, giảm 16,16% so với tháng trước và giảm 3,39% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng ước tính là 740.078 tấn, đạt 88,10% kế hoạch năm và giảm 2,60% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng tình hình nuôi trồng thuỷ sản ổn định, người dân chủ động nuôi thả các loại thủy sản, tăng diện tích các loài thủy sản có hiệu quả kinh tế cao, việc quản lý môi trường, phòng trừ dịch bệnh trên tôm, cua được kiểm soát tốt, năng suất nuôi trồng thủy sản đạt khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng diện tích nuôi trồng thủy sản ước 291.523 ha đạt 100,01% kế hoạch, giảm 0,72% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích nuôi tôm đạt 168.002 ha chiếm 57,63% tổng diện tích. Cá nuôi và các loài nhuyễn thể bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính của năm, sản lượng cua và các loài nhuyễn thể năm nay đạt khá cao do người dân áp dụng kỹ thuật chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia, người dân tận dụng thu vét các loại tôm trên diện tích thả nuôi cũ góp phần tăng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng. Nhiều loài cá được nuôi tích hợp trên cùng một diện tích trồng lúa giúp người dân tận dụng hết thức ăn sẵn có, nâng cao sản lượng.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 11 ước đạt 35.165 tấn, giảm 21,98% so với tháng trước và tăng 3,11% so với tháng cùng kỳ năm trước. Sản lượng nuôi trồng 11 tháng ước 336.904 tấn, đạt 93,58% kế hoạch và tăng 14,38% so với cùng kỳ năm trước.
Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Kênh Dài, Đồn Biên phòng Tây Yên, BĐBP Kiên Giang tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác IUU. Ảnh: Văn Chương
Từ nay đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước biển dâng, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm. Hiệu quả kinh tế của ngành hàng này dựa trên việc tổ chức sản xuất phù hợp, đầu tư đồng bộ và áp dụng khoa học công nghệ tiến tiến vào toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm, đưa nuôi trồng thủy sản trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Theo đó, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đến năm 2030 khoảng 288.260 ha, tổng sản lượng đạt 484.780 tấn các loại. Trong đó, nuôi tôm nước lợ 145.440 ha gồm: Nuôi công nghiệp – bán công nghiệp, tôm – lúa, quảng canh cải tiến, phấn đấu sản lượng 159.345 tấn; nuôi cua biển 86.590 ha, hơn 32.000 tấn; nuôi nhuyễn thể 26.900 ha, sản lượng 101.460 tấn; nuôi thủy sản trên biển 14.000 lồng (9,31 triệu m³), khoảng 105.690 tấn; diện tích còn lại nuôi thủy sản nước ngọt và những đối tượng khác hơn 86.200 tấn.
Tỉnh phấn đấu sản xuất giống thủy sản đến năm 2030, đáp ứng 45 – 50% nhu cầu giống các loài thủy sản nuôi chủ lực; 100% vùng nuôi trồng thủy sản tập trung được kiểm soát môi trường, dịch bệnh và an toàn thực phẩm; diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản được sản xuất theo mô hình hợp tác và liên kết chuỗi đạt trên 20%; lao động nuôi trồng thủy sản được tập huấn đào tạo nghề trên 50%…
Khai thác thủy sản trong tháng 11 của tỉnh Kiên Giang tiếp tục có xu hướng sụt giảm, do ảnh hưởng của thời tiết, biển động, ngư trường khai thác ngày càng cạn kệt; việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản chưa hiệu quả, trong khi đó vi phạm trong khai thác vẫn còn xảy ra, giá cả sản phẩm và phương pháp bảo quản sau khai thác chưa được đảm bảo theo yêu cầu, thiếu sự ổn định, nhiều phương tiện khai thác thủy sản vẫn hoạt động cầm chừng vì hoạt động không có hiệu quả, một số tàu thuyền chưa quay lại bám biển do chi phí đi biển quá lớn dẫn đến khai thác thấp so với cùng kỳ các năm trước.
Công tác tuyên truyền IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) cho ngư dân dần được các hộ ngư dân chấp hành tốt hơn, một số tàu đánh bắt đã thực hiện nghiêm quy định chống IUU.
Sản lượng khai thác thủy sản tháng 11 ước đạt 33.382 tấn, giảm 9,0% so với tháng trước và giảm 10,48% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng sản lượng khai thác ước đạt 403.174 tấn, đạt 83,99% kế hoạch, giảm 13,35% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Kiên Giang, thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, tỉnh đã xử lý nghiêm các hành vi phạm lắp đặt thiết bị hành trình, các hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong đó, đã khởi tố 2 vụ án hình sự liên quan hành vi tổ chức, môi giới đưa tàu cá, ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép và khởi tố 1 vụ án liên quan hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan hành vi chuộc ngư dân.
Trong tháng cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang sẽ theo dõi chặt chẽ, nắm chắc tình hình, diễn biến thời tiết, nguồn lợi thủy sản, ngư trường khai thác, cung cấp thông tin kịp thời đến ngư dân để chủ động khai thác đánh bắt có hiệu quả. Đồng thời, hướng dẫn, khuyến cáo ngư dân tổ chức khai thác thủy sản theo nhóm, tổ, đội hỗ trợ nhau trong dịch vụ hậu cần nghề cá và thông tin tình hình thời tiết, nguồn lợi thủy sản trên ngư trường, bám biển dài ngày, khai thác đánh bắt an toàn, hiệu quả.
Ngành thủy sản tỉnh triển khai các giải pháp tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ngư trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác thủy sản, nhất là đánh bắt mang tính hủy diệt, xâm phạm vùng cấm khai thác đánh bắt, khu bảo tồn biển…
Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tăng cường quản lý người, tàu cá trước khi xuất, nhập bến và khi hoạt động trên biển, bảo đảm 100% tàu cá ra khơi đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật theo quy định, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ngư dân xuất, nhập cảng, bến, cửa sông, lạch… theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, kiên quyết không cho tàu cá xuất bến nếu không đảm bảo các yêu cầu về hoạt động khai thác thủy sản theo quy định, tập trung tuyên truyền phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cho ngư dân, không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Vũ Mưa