Mặc dù ngành thủy sản của tỉnh Kiên Giang có mức tăng trưởng khá trong những năm gần đây, nhưng lại đang bộc lộ những khó khăn như: giá nhiên liệu tăng cao, giá tiêu thụ thủy sản giảm, ngư trường ngày càng biến động khó lường, hoạt động sản xuất đi xuống…
Mặc dù ngành thủy sản của tỉnh Kiên Giang có mức tăng trưởng khá trong những năm gần đây, nhưng lại đang bộc lộ những khó khăn như: giá nhiên liệu tăng cao, giá tiêu thụ thủy sản giảm, ngư trường ngày càng biến động khó lường, hoạt động sản xuất đi xuống…
Tàu đánh bắt hải sản xa bờ lên cá tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang) – Ảnh: L.S
Những năm cuối của thập niên trước, ngành thủy sản Kiên Giang có sự đột phá mạnh mẽ, sản lượng thủy sản khai thác được ngày càng có chiều hướng tăng cao, song hành với sự chuyển đổi hợp lý ngành nghề khai thác theo hướng phát triển từ quy mô tự phát nhỏ lẻ vươn lên sản xuất theo quy mô lớn, hình thành những tổ hợp tác, tập đoàn khai thác lớn, trong đó lực lượng tàu cá của Công ty quốc doanh đánh cá Kiên Giang trở thành chủ đạo cho chương trình khai thác khơi xa. Sự chuyển biến đó của ngành khai thác thủy sản được đánh dấu bằng những chỉ tiêu cụ thể: tổng sản lượng thủy sản khai thác từ 200.000 tấn năm 2000 tăng hơn 400.000 tấn vào năm 2008 và giữ ở mức đó cho đến nay. Giá trị xuất khẩu thủy sản vào thời kỳ cuối năm 2008 cũng đạt đến 150 triệu USD, con số mà từ đó cho đến nay chưa có năm nào vươn tới được.
Sự phát triển của ngành thủy sản đã tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội. Ngành thủy sản phát triển cũng đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động phổ thông, tạo nguồn thu nhập và nâng cao đời sống của người dân. Ngoài ra, sự phát triển của ngành thủy sản còn góp phần làm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng sự trao đổi, mua bán với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới; là động lực để các ngành có liên quan như: nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại phát triển theo. Ngành thủy sản phát triển kéo theo công tác quy hoạch vùng, cân đối giữa sản xuất cây lúa và nuôi trồng thủy sản; tăng cường đầu tư hình thành những nhà máy sản xuất, chế biến trong tỉnh; làm thay đổi cơ cấu sản xuất của ngành, đồng thời góp phần phân bố lại sản xuất một cách hợp lý và hiệu quả.
Tuy nhiên, do tác động từ nhiều phía, những năm gần đây, ngành thủy sản cả nước nói chung và Kiên Giang nói riêng đang đứng trước những thử thách. Giá nhiên liệu mỗi năm có vài đợt tăng cao, cộng vào đó ngư trường khai thác luôn có sự biến động, nguồn lợi thủy sản ngày càng sụt giảm. Trung bình mỗi tàu có công suất 350 cv, để duy trì sản xuất trong khoảng hơn một tháng, chi phí sản xuất cần trên dưới 500 triệu đồng. Trong khi đó, sản lượng khai thác giảm, giá sản phẩm tôm, cá cũng thường xuyên biến động theo chiều hướng đi xuống, đang là “bài toán” cần lời giải cho ngành thủy sản.
Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Rạch Giá, cho biết: Hiện nay có khoảng 40% tàu cá của ngư dân Kiên Giang đang phải “nằm bờ” vì thua lỗ trong khai thác. Có một số ít chủ tàu cố gắng tìm vốn đầu tư để duy trì ra khơi đánh bắt với hy vọng sẽ gặp may, nhưng giữa tỷ lệ may mắn với thua lỗ được xác định 50/50. Ông Nguyễn Xuân Lộc, chủ tàu cá ở thành phố Rạch Giá nói: Trong khi giá vật tư xăng dầu tăng, ngư trường khai thác gặp khó, thì giá cá nguyên liệu lại liên tục giảm do nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản thua lỗ phải ngưng sản xuất; giá nguyên liệu cá tươi, mực tươi giảm từ 10% – 15%, ngay đến cả sản phẩm khô mực – chủ lực của nghề cào đơn và cào đôi cũng giảm từ 30% – 40%. Chính những tác động này làm cho nghề khai thác của ngư dân Kiên Giang luôn gặp khó.
Để tháo gỡ khó khăn trong phát triển ngành thủy sản, trước mắt UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường phối hợp, trước mắt kiến nghị giảm thuế môn bài cho các phương tiện khai thác thủy sản và có chế độ về vốn vay cho các chủ tàu; hỗ trợ giá dầu khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản thủy sản, vừa chủ động dự trữ sản phẩm, vừa có thể cho ngư dân thuê để bảo quản thủy sản sau khai thác.
Tuy nhiên, ngoài những giải pháp trên, vấn đề căn cơ hơn vẫn là việc xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với tăng cường sự hợp tác với các nước có chung đường biên giới trên biển. Những giải pháp nêu trên, nếu được triển khai đồng bộ, sẽ là “chìa khóa” để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân làm nghề biển.