Kiên Giang: Ưu tiên giảm thiệt hại cho người nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

Những tháng vừa qua, vùng nuôi tôm nước lợ tại ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân và địa phương. Kiên Giang cũng không nằm ngoài tình trạng này.

Thiệt hại lớn

Kiên Giang là tỉnh có diện tích nuôi tôm đứng thứ 3 trong cả nước, do thời tiết và môi trường bất lợi, khô hạn kéo dài, nắng nóng gay gắt, ao đầm thiếu nước, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm cao đã làm dịch bệnh trên tôm phát sinh và diễn biến phức tạp, gây thiệt hại khoảng 11.322 ha; trong đó, chủ yếu là diện tích nuôi tôm – lúa, nhiều nhất là ở hai huyện U Minh Thượng và An Minh. Cùng đó, giá tôm sú nguyên liệu trong nhiều tháng qua cũng giảm mạnh, chỉ ở mức 175.000 đồng/kg, giảm 50.000 – 60.000 đồng/kg so thời điểm đầu năm.

Giá  tôm sú giảm mạnh – Ảnh: PTC

Trước tình hình dịch bệnh này, UBND tỉnh Kiên Giang đã sử dụng kinh phí phòng, chống dịch bệnh 2015 của tỉnh để mua hóa chất hỗ trợ các hộ nuôi, xử lý môi trường có tôm bị bệnh. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT xuất cấp (không thu tiền) 30 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% thuộc hàng dự trữ quốc gia cho tỉnh Kiên Giang để phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Việc xuất cấp, quản lý và sử dụng số hóa chất nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành.

 

Tập trung gỡ khó

Để hoàn thành mục tiêu sản lượng tôm nuôi 56.000 tấn, tỉnh Kiên Giang đang đẩy nhanh tiến độ thả giống và kiểm soát dịch bệnh trên đàn tôm.

Đối với nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp vùng Hà Tiên, Kiên Lương, tứ giác Long Xuyên, ngành thủy sản tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ dân tiếp tục thả giống trên diện tích khoảng 1.500 ha, nâng tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp toàn tỉnh đạt 3.000 ha năm 2015. Cùng đó, tập trung cải tạo, thi công nhanh một công trình thủy lợi cấp thiết, nhằm chủ động điều tiết nguồn nước sạch phục vụ nuôi tôm công nghiệp. Ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, tạo môi trường bền vững, không bị ô nhiễm, tôm lớn nhanh, phát triển tốt.

Tỉnh cũng hướng dẫn, khuyến cáo các doanh nghiệp tuân thủ triệt để quy trình kỹ thuật xử lý, cải tạo ao đầm nhằm tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế dịch bệnh phát sinh gây hại, nhất là xây dựng hệ thống ao lắng gắn với xử lý nguồn nước sạch bệnh và thả tôm nuôi trên 1/3 diện tích; chọn lựa nguồn tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao thả nuôi; hỗ trợ, vận động doanh nghiệp ứng dụng các quy trình nuôi GAP, VietGAP, GlobalGAP để nâng chất lượng, năng suất tôm nuôi.

Ngoài ra, ngành thủy sản tỉnh cũng chỉ đạo các trạm thú y cơ sở bám sát địa bàn chủ động giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh tôm nuôi, tổ chức bao vây, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời Chlorine cho nông dân để dập tắt dịch bệnh ngay khi còn ở diện hẹp, không để lây lan; thu thập, phân tích thông tin dự báo khí tượng thủy văn, kết hợp với kết quả quan trắc môi trường nước để đưa ra những khuyến cáo hữu ích, kịp thời cho người nuôi tôm chủ động các biện pháp ứng phó trong nuôi tôm nhằm ngăn chặn, hạn chế rủi ro, thiệt hại.   

>> Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, diện tích thả nuôi tôm thời gian qua tăng chủ yếu là nuôi quảng canh, năng suất thấp; trong khi đó tôm nuôi công nghiệp, sản lượng gấp hàng trăm lần, nhưng đến thời điểm này mới đạt 50% kế hoạch thả nuôi nên không thể kéo sản lượng tăng nên. Còn vụ tôm – lúa thì đã kết thúc từ cuối tháng 8. Với tình hình này thì sản lượng tôm nuôi của tỉnh khó về đích.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!