(TSVN) – Nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các quy định tại quy chuẩn nước thải cho chế biến thủy sản và nuôi trồng thủy sản, mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT kiến nghị một số nội dung quy định tại dự thảo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về nước thải công nghiệp chuẩn bị ban hành.
Theo VASEP, từ cuối năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo QCVN mới thay thế QCVN 40 và QCVN 11. Đến nay, dù dự thảo QCVN này sắp được ban hành nhưng vẫn chưa giải quyết được các vướng mắc liên quan đến quy định ngưỡng tối đa chỉ tiêu phospho trong nước thải chế biến thủy sản sau xử lý cũng như áp dụng QCVN về nước thải công nghiệp cho các ao nuôi thủy sản thâm canh quá nghiêm ngặt so với đặc thù của ngành.
Doanh nghiệp thủy sản mong muốn sớm gỡ vướng mắc quy định nước thải trong chế biến. Ảnh: Vĩnh Tâm
Do vậy, để hỗ trợ ngành thủy sản có cơ hội thực hiện tốt chiến lược phát triển thủy sản, giúp các doanh nghiệp thủy sản nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước về môi trường, VASEP kính đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ủng hộ và chủ trì làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp.
Cụ thể, tạm dừng chưa phát hành QCVN về nước thải công nghiệp để có các đánh giá tác động cụ thể của QCVN mới đối về kinh tế và xã hội; Đưa trại/ao nuôi thủy sản vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo QCVN 62:2021/BTNMT (nước thải chăn nuôi), và thuộc cột B của cơ sở phải đăng ký môi trường thay vì đang nằm trong QCVN nước thải công nghiệp.
Cùng đó, không gộp nước thải chế biến thủy sản vào Dự thảo QCVN công nghiệp chung nhiều ngành nghề khác nhau; hoặc có điều khoản riêng cho chế biến thủy sản tại dự thảo QCVN nước thải công nghiệp mới do yếu tố đặc thù của ngành như đã thực hiện riêng trong hơn 20 năm qua; nâng ngưỡng cho phép của chỉ tiêu phospho lên mức 40 ppm (cột B) và 30 ppm (cột A) để phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế các nước trong khu vực; áp dụng lộ trình thực hiện 10 năm cho QCVN mới theo thông lệ quốc tế để có thời gian cho phép doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, đầu tư và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Đồng thời, giữ nguyên ngưỡng kiểm soát của amoni và nitơ như trong QCVN 11.
PV