Theo quy định của Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT, nghề đáy, nghề nò sáo sẽ bị cấm. Như vậy, nguy cơ hàng vạn ngư dân đầm phá tại tỉnh Thừa Thiên – Huế bị ảnh hưởng đến sinh kế.
Theo báo cáo của Hội Nghề cá Thừa Thiên – Huế, nò sáo, đáy là nghề truyền thống trên đầm phá được sử dụng từ vài trăm năm trước, hiện đang là sinh kế chủ yếu của hàng vạn ngư dân. Hiện tại đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế có 835 hộ nghề đăng (nò sáo) và hơn 1.814 miệng đáy. Nguyên lý hoạt động của các nghề này là lợi dụng tập tính sinh học của tôm, cá và dòng chảy tự nhiên nên chi phí ít tốn kém, hiệu quả. Tôm, cá khai thác được đa phần đều còn sống, có thể chọn lọc. Các quy phạm pháp luật trước đây quản lý hai nghề này chỉ dựa trên phân bố vị trí đặt nghề và kích thước mắt lưới tối thiểu ở bộ phận thu cá. Việc Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT quy định cấm hai nghề này ngay lập tức ảnh hưởng đến sinh kế của hàng vạn ngư dân, dẫn đến nguy cơ bất ổn về xã hội.
Đánh bắt bằng nò sáo trên phá Tam Giang – Ảnh: ST
Do khai thác thủy sản bằng nò sáo, đáy tại vùng đầm phá là đặc trưng của tỉnh Thừa Thiên – Huế, nó ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng dân cư ven đầm phá, vì vậy, ngày 6/9 vừa qua, Hội Nghề cá Việt Nam đã có Công văn số 95/HNC-VP gửi Bộ NN&PTNT về việc tháo gỡ vướng mắc quy định cấm nghề đăng (nò sáo), nghề đáy tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Theo đó, kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét không cấm nghề nò sáo, nghề đáy vùng đầm phá nói chung, đồng thời giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chịu trách nhiệm quy hoạch lại hoạt động nò sáo, đáy tại địa phương; có quy định và hướng dẫn ngư dân ven đầm phá tổ chức hoạt động khai thác các nghề nò sáo, đáy thực sự có hiệu quả, vừa tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời tạo điều kiện để ngư dân ven đầm phá tiếp tục sản xuất, đảm bảo ổn định đời sống.