Trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu cá tra là hơn 1,4 triệu USD. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sản lượng cá tra nguyên liệu hàng năm tăng lên đáng kể trong 10 năm qua, từ 37.500 tấn năm 2001 lên 1,35 triệu tấn năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tăng 40 lần, từ 40 triệu USD lên hơn 1,4 triệu USD.
Hiện cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường 140 quốc gia và vùng lãnh thổ ở tất cả các châu lục. Kết quả này cho thấy, cá tra chiếm nhiều ưu thế hơn so với các loài thủy sản khác vì được thị trường thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh của các quốc gia xuất khẩu cũng như nhập khẩu thủy sản, cá tra cần phải đáp ứng nhiều quy chuẩn do nhà nhập khẩu yêu cầu.
PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) khẳng định: Hầu hết các nhà máy chế biến và trại chăn nuôi cá tra đang tuân theo các chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành Thủy sản đã đề ra chiến lược nuôi trồng, đáp ứng cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu như thực hành nuôi thân thiện với môi trường, sử dụng dược phẩm tự nhiên và tiền thuốc kháng sinh, hiện đại hóa công nghệ và cơ sở vật chất sản xuất, cải thiện liên kết 4 nhà (người nuôi, nhà chế biến, nhà khoa học, nhà nước), thành lập liên minh chiến lược, quản lý dựa vào cộng đồng.
Mặt khác, nhằm phát triển thị trường hơn nữa, ngành Thủy sản cũng đưa ra phương pháp đa dạng hóa thị trường và các sản phẩm giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và hình ảnh quốc gia, thực hiện các yêu cầu nuôi nghiêm ngặt và tiêu chuẩn nuôi bền vững. Tính đến thời điểm này, Việt Nam có khoảng 40% diện tích (trong 6.000 ha) cá tra đã và đang được chứng nhận tiêu chuẩn bền vững khác nhau.
Theo Tiếng Nói VN