Kinh nghiệm Cồn Sẻ

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình nằm giữa dòng sông Gianh như một ốc đảo biệt lập. Những năm trước đây, nhắc đến Cồn Sẻ là nhắc đến một vùng quê nghèo khó, dân chủ yếu làm nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản theo quy mô nhỏ lẻ, tự phát…

Hiện đại hóa nghề biển

Xác định kinh tế biển là mũi nhọn để xoá đói, giảm nghèo, những năm gần đây, người Cồn Sẻ đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm trong việc hiện đại hoá nghề đi biển, nhờ đó đời sống của ngư dân ngày càng khởi sắc, bộ mặt nông có nhiều đổi mới.

Thôn Cồn Sẻ có 571 hộ gia đình, với 3.500 nhân khẩu. Tuy không phải là một thôn miền biển, nhưng hầu hết các hộ gia đình đều trực tiếp làm nghề đánh bắt, khai thác thủy hải sản. Trước đây, do thiếu vốn liếng để đầu tư phát triển sản xuất, ngư dân Cồn Sẻ chủ yếu khai thác thủy hải sản ở khu vực sông Gianh và ven biển bằng các phương tiện đánh bắt thô sơ, như te, lưới một, thậm chí có người còn dùng cả mìn… Tuy nhiên, do số lượng tàu thuyền khai thác gần bờ ngày càng đông, trong khi trữ lượng thủy hải sản có hạn, nên có một thời gian dài, đời sống của ngư dân trong thôn gặp nhiều khó khăn do thu nhập từ nghề này bấp bênh, thiếu ổn định.

Trước thực trạng của nghề đánh bắt thủy hải sản ở đây có thể bị mai một, nhiều hộ gia đình có nguy cơ “tái nghèo”, cấp ủy, chính quyền xã Quảng Lộc đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương hợp lý, hợp lòng dân để động viên, khuyến khích người dân gắn bó và phát triển nghề đi biển, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện để các hộ gia đình tín chấp vay vốn ngân hàng đầu tư mua sắm, nâng cấp các loại tàu thuyền và ngư lưới cụ phục vụ cho nghề đánh bắt, chế biến thủy hải sản. Nhờ đó, trong 4 năm trở lại đây, toàn thôn có 40 chiếc tàu công suất trung bình từ 100 – 300 CV được đóng mới, trị giá mỗi chiếc 2,5 tỷ đồng, đưa đội tàu đi biển của Cồn Sẻ tăng lên 170 chiếc, tổng công suất 10.000 CV, tạo công ăn việc làm cho gần 1.000 lao động, trong đó có 55 chiếc đánh bắt xa bờ, công suất từ 100 – 400 CV khai thác thủy hải sản bằng nhiều loại ngư lưới cụ hiện đại, như trang bị thêm máy định vị, máy dò cá, máy đàm thoại, máy dò cá ngang, các loại lưới vây, lưới rê, lưới chụp, lưới kéo… Đến nay, ngư dân Cồn Sẻ đã thành lập được 8 tổ đoàn kết trên biển, thu hút 550 thuyền viên/55 tàu tham gia…

 

Cồn Sẻ ngày nay

Nhờ có đội tàu công suất lớn, được trang bị ngư lưới cụ hiện đại, đủ sức đánh bắt ở nhiều ngư trường xa, có trữ lượng thủy hải sản dồi dào, các chuyến đánh bắt xa bờ của các đội tàu ở Cồn Sẻ thường kéo dài từ 10 – 15 ngày với bình quân sản lượng mỗi tàu đạt từ 8 – 10 tấn cá, mực các loại/chuyến, đưa lại nguồn thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng… Hàng năm, tổng sản lượng đánh bắt của cả thôn đạt hàng chục tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2011, mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, giá cả xăng dầu tăng cao, nhưng toàn thôn cũng đã đánh bắt được 1.500 tấn thủy hải sản, đưa về tổng doanh thu gần 70 tỷ đồng. Nhiều đội tàu đánh bắt thủy hải sản ở Cồn Sẻ đi biển ngày càng hiệu quả, đưa lại nguồn thu nhập ổn định cho các lao động trong thôn. Tiêu biểu như tàu đánh cá của gia đình ngư dân Nguyễn Sự, Nguyễn Văn Hài, Phạm Tình, Nguyễn Điện, Nguyễn Tuấn Anh có thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng/người/năm…

Kinh tế biển ngày càng phát triển, thu nhập tăng cao, người Cồn Sẻ ngày càng có điều kiện để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ là một thôn có cơ sở hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu, đến nay Cồn Sẻ đã cơ bản hoàn thiện được hệ thống đường sá, cầu cống, nhà văn hoá và các công trình phúc lợi phục vụ cho nhu cầu dân sinh và sản xuất.       

>> Với khát vọng xoá đói, giảm nghèo và vươn lên xây dựng cuộc sống mới, kinh nghiệm phát triển kinh tế biển ở Cồn Sẻ thực sự bổ ích để những vùng quê ven biển học tập, làm theo.

                Trương Thị Hiền

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!