(TSVN) – Trong quy trình nuôi tôm năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng bắt buộc phải sử dụng quạt nước. Dưới đây là một số kinh nghiệm vận hành quạt nước ao tôm mà người nuôi cần biết.
Hiện nay có 3 loại máy quạt nước: loại 2 cánh, 4 cánh và dạng cánh tay dài. Cấu tạo của quạt nước bao gồm một trục được nối với trục mô tơ điện hoặc động cơ, trên trục có lắp 10 – 15 cánh quạt, cánh quạt có thể là cánh nhựa hoặc cánh lông nhím. Quạt cánh nhựa có giá rẻ được sử dụng nhiều trong các hộ nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Quạt nước chạy bằng mô tơ điện 3 pha thường cung cấp ôxy tốt hơn.
Trường hợp độ sâu mức nước ao lớn hơn 1,4 m và đang sử dụng quạt lá hay quạt cánh nhựa (khả năng đưa ôxy xuống sâu 1,2 m) thì nên kết hợp lắp đặt thêm quạt lông nhím để cung cấp đầy đủ lượng ôxy xuống sâu đáy ao. Tuy nhiên lưu ý rằng vì quạt lông nhím tạo dòng chảy mạnh nên ở những ao nhiều bùn và mùn bã hữu cơ, quạt sẽ làm nước ao bị vẩn đục nhanh, ảnh hưởng xấu đến hô hấp của tôm. Vì vậy, quạt lông nhím chỉ phù hợp ao nuôi tôm đáy cát, đáy lót bạt. Người nuôi có thể lắp đặt xen kẽ cả 2 loại quạt này để vừa đảm bảo lượng ôxy và vừa đảm bảo dòng chảy trong ao.
Quạt nước nên được đặt cách bờ 3 – 5 m hay cách chân bờ 1,5 m sao cho tạo được dòng chảy có tác dụng gom tụ các chất thải, cặn bã vào giữa ao để dễ dàng xiphong, đưa ra ngoài.
Theo một số thử nghiệm thực tế cho thấy, quạt nước có tốc độ quay 75 – 80 vòng/phút, cánh ngập trong nước 9 – 12 cm có hiệu suất cấp ôxy lớn nhất, giảm chi phí điện năng. Cánh quạt càng ngập sâu dưới nước và tốc độ quay càng lớn thì lượng điện tiêu thụ càng cao và hiệu suất bơm ôxy càng giảm. Các cánh quạt nước phải lắp so le nhau để quạt nước chạy êm, ít rung, ít hỏng, kéo dài tuổi thọ.
Số lượng máy, công suất máy và vị trí của máy trên ao phụ thuộc vào hình dạng của ao và sản lượng tôm dự tính. Việc tính toán công suất máy và cách bố trí các guồng nước rất quan trọng, giúp quạt nước đạt hiệu quả cao nhất, giảm rủi ro, tăng năng suất tôm. Một ao nuôi 2.500 m2 cần ít nhất 4 máy quạt nước có công suất khoảng 3 kW/máy.
Tùy theo diện tích và hình dạng ao mà chọn số máy và phân bố máy. Công suất được chia đều cho số máy. Sau khi lắp đặt quạt nước thì nhất thiết phải thử tải (cường độ dòng/ampe). Nếu dòng lớn hơn tải tối đa của mô tơ thì cần giảm số cánh quạt, còn nếu dòng thấp hơn thì cần tăng số cánh quạt. Để mô tơ có thể dùng lâu dài thì tổng tải không được vượt quá 90 – 95% tải tối đa của mô tơ. Thường các cánh quạt được lắp cách nhau 60 – 80 cm. Với các ao rất nhỏ chỉ cần 1 quạt nước thì quạt phải để song song với cạnh ngắn của ao để tránh xói lở. Để kiểm tra xem quạt nước đã được lắp đúng chưa, người nuôi cần đổ một ít lượng saponin và chạy quạt nước. Nếu bọt tụ lại ở giữa ao là lắp đặt đúng.
Đối với ao nuôi tôm sú mật độ >30 con/m2 và TTCT >40 con/m2 có sử dụng thức ăn viên thì bắt buộc phải bật quạt nước lúc trời lặn và thời gian từ 3 – 6 giờ sáng là bắt buộc.
Đối với TTCT, nuôi từ tháng thứ 2 trở đi nên bật quạt nước 24/24 giờ.
Vào thời điểm ban ngày, nếu trời có nắng, ao nuôi sẽ tự tạo ôxy nhiều hơn thời điểm trời mát hoặc mưa. Vì vậy, nếu trời nắng, có thể giảm thời gian chạy quạt từ 10 – 20% thời gian so với những ngày trời mưa hoặc trời mát.
Chạy quạt lúc thời tiết âm u, mưa nhỏ hay lúc trời quá nóng. Nếu mưa lớn thì xả bớt lớp nước mưa bề mặt, rồi tiến hành quạt nước để tránh sự phân tầng ôxy, độ mặn và nhiệt độ.
Sau khi cho tôm ăn để giữ thức ăn lơ lửng, đồng thời dồn chất thải và thức ăn thừa vào giữa ao và thúc đẩy sự chuyển hóa amoniac độc hại do tôm thải ra thành nitrat vô hại.
Trường hợp ao nuôi ứng dụng công nghệ Biofloc thì cần quạt nước liên tục suốt ngày đêm trừ khi cho ăn.
Có thể giảm thời gian quạt nước lúc tôm còn nhỏ, nhưng khi tôm lớn, lượng thức ăn trên 50 kg/ha/ngày thì phải quạt nước thường xuyên.
Nguyễn Hằng