T2, 06/03/2023 09:00

Kinh tế biển miền Trung: Đánh thức nội lực phát triển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tiềm năng kinh tế biển của miền Trung nước ta là vô cùng, tiềm ẩn trong gần 1.800 km bờ biển, trong từng mét vuông mặt nước biển nằm trong vùng chủ quyền của Tổ quốc. Thế nhưng tiềm năng này còn “ngủ quên”, chưa được khai thác tương xứng. Cần phải phát huy tối đa nội lực để phát triển kinh tế biển miền Trung theo hướng gia tăng giá trị.

Vùng đất đầy nội lực

Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, trong đó có 3 tiểu vùng: Bắc Trung bộ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) và Vùng Nam Trung bộ (gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm 28,9% diện tích của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước (3.260 km) và nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo và quần đảo quan trọng như Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Cù Lao Chàm…

Tại Hội nghị Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức tại Bình Định vào đầu tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định miền Trung là vùng đất đầy nội lực, bao gồm con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử.

Để phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng đất đầy nội lực này, Thủ tướng kêu gọi các tỉnh trong khu vực phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại. “Miền Trung cần đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình; Đồng thời, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực gồm vốn nhà nước, vốn xã hội, vốn vay để phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và huy động nguồn lực nhiều chiều, nhiều hướng, từ các nguồn phân tán. Phân bổ và sử dụng nguồn lực phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm thì mới hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Với lợi thế chiều dài của bờ biển chiếm đến hơn 55% bờ biển cả nước, miền Trung đang được định hướng để phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển, hướng đến xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh, đón đầu xu hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Theo Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước có 7 cụm liên kết. Trong đó, cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Trung Trung bộ thuộc vùng biển và ven biển các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; khu vực trọng điểm phát triển ở Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế sẽ phát triển gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu Đông Nam Á.

Cụm liên kết kinh tế biển ở Trung Trung bộ sẽ hình thành cảng biển container trung chuyển trong nước, quốc tế và cảng biển du lịch; vận tải biển quốc tế, trong nước và các dịch vụ gắn với cảng biển, lấy khu cảng biển Liên Chiểu – Tiên Sa – Chân Mây làm trung tâm.

Đồng thời, các khu đô thị cảng biển quốc tế, khu khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực kỹ thuật ngành kinh tế biển, khu thương mại, khu trung tâm giao dịch tài chính quốc tế sẽ được hình thành trong vùng Đà Nẵng – Huế – Khu kinh tế Chân Mây. Vùng này sẽ phát triển thành trung tâm dịch vụ cảng biển, khoa học công nghệ, đào tạo, thương mại, tài chính tài quốc tế cao cấp…

Vùng Nam Trung bộ thuộc vùng biển và ven biển Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, kinh tế biển sẽ tập trung phát triển tại khu vực trọng điểm ở Khánh Hòa – Nam Phú Yên, gắn với việc xây dựng trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế cao ở Đông Nam Á.

Hướng về phía biển

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Trong thế kỷ của biển và đại dương, miền Trung có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, tầm nhìn quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, trong thế kỷ của biển và đại dương. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh: “Con người là trung tâm trong mọi chiến lược phát triển, đó là quan điểm phải được tiếp cận xuyên suốt. Ngư dân cần được đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình phát triển bền vững Tam ngư: Ngư nghiệp – Ngư dân – Ngư trường. Dù là khai thác, nuôi trồng hay bảo tồn biển thì ngư dân luôn là lực lượng tham gia đông đảo nhất”.

Cũng theo tư lệnh ngành, trong thời gian qua, ngành thủy sản trong vùng từng bước chuyển đổi theo hướng đánh bắt có kiểm soát, giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Đối với các khuyến nghị của EC, Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị triển khai đến các địa phương ven biển. Công tác truyền thông, phổ biến pháp luật hướng đến nâng cao nhận thức, chấp hành một cách tự nguyện, tự giác, thay cho những hành vi tránh né, đối phó. “Nếu biết cách trò chuyện, lắng nghe, chăm lo từng lợi ích thiết thực, kiên nhẫn bên cạnh bà con ngư dân từ những thay đổi nhỏ nhất, thì có thể hạn chế sử dụng các quy định xử phạt, chế tài nghiêm khắc”, Bộ trưởng chia sẻ.

Để phát triển kinh tế biển, miền Trung cần tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản, cơ cấu lại nghề, cơ cấu lại lao động phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán và năng lực từng hộ gia đình. Việc thử nghiệm mô hình gây giống và nuôi trồng rong sụn thương phẩm, gắn với chế biến, đa dạng hóa sản phẩm tại một số địa phương đã ghi nhận kết quả khả quan ban đầu. Khuyến khích phát triển nuôi hải sản trên biển, gắn với du lịch sinh thái biển thân thiện môi trường. Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi định kiến “du lịch đi đến đâu, thủy sản lùi tới đó”, giờ đã khác, du lịch và NTTS có thể hỗ trợ lẫn nhau, qua các hoạt động giáo dục ý thức về môi trường cho các du khách.

Muốn đạt được những mục tiêu nói trên, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các tàu dịch vụ nghề cá trên biển, các trạm dịch vụ hậu cần trên các đảo cần được nâng cao hiệu quả, các trung tâm nghề cá phải tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Các cảng cá không còn chỉ tiếp nhận tàu cá mà phải được vận hành theo hướng đa chức năng, kết hợp du lịch, kiến tạo không gian cộng đồng cung cấp kiến thức về bảo tồn biển, đại dương; tập huấn kỹ năng nghề cá, kỹ năng sinh tồn, phổ biến quy định pháp luật. Trở thành không gian cộng đồng gần gũi, chia sẻ lợi ích giữa các bên, gắn kết với các Tổ Cộng đồng đồng quản lý, để mỗi thành viên sống và làm nghề có trách nhiệm với biển. Như tại Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn, Bình Định), Tổ đồng quản lý bảo vệ san hô dần đi vào ổn định và nề nếp, với đa dạng hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tạo sinh kế mới, được chính quyền các địa phương và người dân đồng thuận, ủng hộ. Từ đây có thể mời gọi sự đồng hành của doanh nghiệp và xã hội”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

>> Biển miền Trung có điều kiện tự nhiên đặc trưng, tạo nên hệ cá biển đa dạng, có nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao như cá ngừ đại dương, mực và nhiều loài cá nổi khác phân bố tự nhiên hoặc di cư qua. Vì vậy, nghề khai thác hải sản ở các tỉnh ven biển miền Trung phát triển mạnh, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho cộng đồng cư dân ven biển và góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo.

Đình Thung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!