Kỹ thuật nuôi cá bè vẩu bằng thức ăn công nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá bè vẩu sinh trưởng nhanh, có khả năng chịu ngọt tốt, sức đề kháng cao nên ít nhiễm bệnh. Đặc biệt, hiện nay, có thể nuôi cá bè vẩu hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp và cho hiệu quả tốt.

Con giống 

Lựa chọn các cơ sở cung ứng có giấy phép kinh doanh con giống thủy sản, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc con giống; không mua cá giống của các cơ sở không có đăng ký kinh doanh cũng như các đối tượng bán rong nhỏ lẻ. 

Khi bắt giống, quan sát cá giống phải đồng đều, không dị tật, không bị xây xát; hoạt động nhanh nhẹn, bơi theo đàn, phản ứng nhanh với tiếng động, ánh sáng; không có các dấu hiệu khác về màu sắc nghi có mầm bệnh… Cá giống có kích cỡ từ 6 – 8 cm, đồng đều về kích thước. 

Nuôi thương phẩm cá bè vẫu tại xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: V.L 

Mật độ thả: 25 con/m³. Thời điểm thả cá giống tốt nhất vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả cá giống cần tắm cho cá bằng nước muối 2 – 3% hoặc thuốc tím với nồng độ 0,3 – 0,5 ppm. Mục đích tắm cho cá giống để
khử trùng mầm bệnh và sát trùng các vết xây xát trên mình cá do trong quá trình đánh bắt và vận chuyển, nơi mầm bệnh dễ xâm nhiễm. 

Lưu ý: Không thả cá vào lúc trời đang mưa to hay nắng gắt có thể làm cho cá bị sốc nhiệt, yếu dẫn đến cá chết hàng loạt. 

Khi thả, để tránh hiện tượng cá bị sốc do sự chênh lệch nhiệt độ, cần ngâm túi cá xuống ao 5 – 10 phút, sau đó nghiêng bao cho cá ra từ. 

Lồng nuôi 

Vùng nuôi lồng, bè nằm trong vùng đã được quy hoạch cho từng đối tượng thủy sản của địa phương hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 

Vị trí đặt lồng, bè nuôi không bị ảnh hưởng bởi lũ, phương tiện giao thông mực nước không bị thay đổi đột ngột, nơi đặt lồng phải có nước lưu thông (lưu tốc dòng chảy 0,2 – 0,5 m/s) và tránh xa nơi tàu thuyền thường xuyên qua lại. 

Lồng, bè phải được đặt ở những khu vực có nguồn nước sạch không bị ô nhiễm nước thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, có chất lượng nước phù hợp với cá bè vẩu. Nơi đặt lồng, bè phải có độ sâu ít nhất là 3 m khi thủy triều xuống thấp nhất. Lưu ý khi đặt lồng: Đặt lồng có đáy lồng cách đáy sông, hồ từ 0,5 – 1 m khi mực nước xuống thấp nhất. 

Cần tránh đặt lồng, bè nơi nước chảy quá yếu hay nước đứng dễ dẫn đến tình trạng cá yếu dần và chết do thiếu ôxy. Tốc độ dòng chảy thích hợp từ 0,2 – 0,6 m/s. Vị trí đặt lồng, bè phải thuận lợi về giao thông để tiện trong việc cung cấp con giống, thức ăn, chăm sóc, quản lý, thu hoạch và vận chuyển tiêu thụ sản phẩm. 

Lồng, bè phải làm bằng các vật liệu chắc chắn, bền, có khả năng chống chịu tốt với môi trường nước, sóng, gió, chất khử trùng tiêu độc. Thiết kế dễ làm vệ sinh, khử trùng, dễ di rời, lắp đặt. 

Mật độ lồng nuôi trên sông không quá dày. Các cụm lồng đặt cách nhau 20 – 30 m và đặt so le để nước lưu thông. Diện tích đặt lồng không quá 5% diện tích khu vực đặt lồng. 

Thức ăn 

Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi. Thức ăn đảm bảo hàm lượng đạm phù hợp, lựa chọn từ những địa chỉ cung cấp uy tín, chất lượng. 

Lượng thức ăn cho ăn tùy thuộc vào trọng lượng cá, cá nhỏ thức ăn bằng 10% trọng lượng thân, cá lớn thức ăn từ 3 – 5% trọng lượng thân. Không cho cá ăn quá thừa cũng như quá thiếu. Định kỳ 10 ngày sử dụng Vitamin C và khoáng trộn vào thức ăn cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày, để tăng khả năng bắt mồi và sức đề kháng cho cá nuôi. 

Trong quá trình nuôi cần theo dõi tốc độ bắt mồi, theo dõi lượng tiêu thụ thức ăn và tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng cho phù hợp. Trước khi cho cá ăn cần vớt các loại thức ăn thừa và rác bẩn ra ngoài 

Chăm sóc 

Hàng ngày quan sát hoạt động của cá trong các lồng nuôi, tình hình sử dụng thức ăn và các hiện tượng bất thường khác xảy ra. 

Thường xuyên cọ rửa lưới, khung lồng và định kỳ 1 – 2 tháng thay lưới một lần để loại bỏ các sinh vật biển bám và phá hoại lồng nuôi như hàu, vẹm, thủy tức, rong biển…; nhằm lưu thông dòng chảy, cung cấp đủ hàm lượng ôxy, hạn chế mầm bệnh ký sinh và không làm xây xát cá nuôi. 

Thường xuyên lặn theo dõi lồng nuôi, đáy lồng đề phòng lồng bị hư hỏng.
Định kỳ phân cỡ cá nuôi và điều chỉnh mật độ nuôi thích hợp, theo dõi phát hiện bệnh kịp thời để xử lý có hiệu quả. 

Hàng ngày và hàng tuần cần đo các chỉ tiêu môi trường nước (ôxy, pH, nhiệt độ, độ mặn) để có biện pháp xử lý kịp thời. 

Khi môi trường thay đổi xấu như nước phát sáng, nhiều cặn bã, sinh vật lạ xuất hiện hay cá xung quanh bị nhiễm bệnh tiến hành treo túi thuốc tím trong lồng để phòng bệnh cho cá. Vào mùa mưa lũ phải kiểm tra các dây neo bè, di chuyển lồng vào vị trí an toàn khi có bão, lũ. 

Cần cách ly những lồng bè cá nuôi bị bệnh bằng cách kéo bè xuống vị trí cuối dòng nước chảy và kịp thời trị bệnh cho cá nuôi. Khi thấy cá bị bệnh và có khả năng lây lan cần tiến hành thu hoạch ngay nếu cá đã đạt thương phẩm. 

Thu hoạch 

Sau thời gian nuôi 9 – 10 tháng, trọng lượng cá đạt trung bình 0,8 – 1 kg/con thì tiến hành thu hoạch. 

Có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ một lần, thao tác nhẹ nhàng tránh làm cá bị xây xát. Tùy vào thị trường tiêu thụ, khi cá đạt kích cỡ từ 0,6 – 0,8 kg/con có thể thu tỉa để bán. Trước khi thu hoạch giảm cho ăn từ 2 – 3 ngày và ngừng cho ăn để thu cá. 

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!