Kỷ nguyên của thức ăn chức năng cho ngành công nghiệp nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sản lượng tôm nuôi toàn cầu đạt 4,086 triệu tấn trong năm 2020; 4,569 triệu tấn trong năm 2021 và sản lượng năm 2022 mong đợi vượt 5 triệu tấn (Chris Chase, 01/2022).

Tuy nhiên, sự thâm canh hóa nghề nuôi tôm phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt ở các quốc gia như: Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ đã kéo theo nhiều thách thức gây ô nhiễm môi trường và làm bùng phát dịch bệnh nguy hiểm. Các bệnh nguy hiểm cho tôm nuôi hiện nay bao gồm: 1) Bệnh hoại tử gan tụy AHPND do vi khuẩn (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease); 2) Bệnh nhiễm trùng nấm vi bào tử EHP (Enterocytozoon Hepatopenaei) và 3) Bệnh phân trắng WFD (White Feces Disease) chưa xác định rõ nguyên nhân.

Tôm là động vật bậc thấp không có hệ thống miễn dịch đặc hiệu nên rất dễ nhạy cảm với các yếu tố gây sốc, đặc biệt các yếu tố môi trường biến động ngoài khoảng tối ưu như: ôxy hòa tan trong ao thấp (ôxy hòa tan <5 mg/L), pH quá thấp hay quá cao (pH <7,5 hay pH > 8,3), độ kiềm quá thấp hay quá cao (Kiềm <80 mg/L hay >200 mg/L) cũng như các yếu tố khí độc Ammonia (NH3) và Nitrite (NO2)… Chất lượng thức ăn tốt cũng là yếu tố quan trọng giúp tăng cường sức khỏe tôm hay làm tôm yếu đi và dễ nhiễm bệnh khi chất lượng thức ăn kém gây bệnh đường ruột, phân lỏng hay các nguy cơ nhiễm mầm bệnh tăng cao…

Ngành công nghiệp nuôi tôm vì thế đang tìm kiếm, phát triển nhiều giải pháp, bao gồm như: 1) Nâng cao chất lượng con giống; 2) Phát triển các mô hình nuôi và giải pháp mới, nhằm kiểm soát tốt chất lượng nước đầu vào và trong quá trình nuôi. Điển hình là các hệ thống lắng lọc nước và xử lý nước bằng các ao lắng lớn, lấy nước mặt qua nhiều ao trung gian trước khi xử lý thuốc tím và Chlorine ở các ao sẵn sàng; hay các mô hình tuần hoàn giảm thay nước, mô hình nuôi kết hợp với cá chẽm, cá rô phi và các giải pháp kỹ thuật sử dụng men vi sinh giảm khí độc trong nước theo nhiều cơ chế khác nhau  của vi khuẩn dị dưỡng, vi khuẩn tự dưỡng hay quang tự dưỡng gọi chung là “Hệ thống hỗn hợp”, “Mixotrophic System”. Ngoài các giải pháp kỹ thuật và mô hình nuôi, ngành công nghiệp thức ăn tôm cũng đang hướng tới sản xuất các dòng thức ăn chức năng giúp tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng, chống sốc (chống stress) hay kìm hãm các mầm bệnh… Tuy nhiên, giá thành sản xuất các dòng thức ăn từ các nguyên liệu chức năng cao cấp và các phụ gia đang là thách thức lớn, nhưng việc phối hợp chương trình cho ăn hợp lý với tỷ lệ % nhất định của thức ăn chức năng trong ngày hay việc cho ăn thức ăn chức năng với một số ngày nhất định trong tuần, có thể giúp cho việc triển khai thức ăn chức năng ngày càng hợp lý hơn và đẩy nhanh xu thế sản xuất thức ăn chức năng cho việc kiểm soát sức khỏe và dịch bệnh trên tôm nuôi.

Các nguyên liệu và phụ gia dùng để sản xuất thức ăn chức năng hiện có nhiều trên thị trường, nhưng các nhà máy thức ăn cần đánh giá kỹ về chất lượng của nguyên liệu và phụ gia cả về thành phần dinh dưỡng sức khỏe có trong nguyên liệu và phụ gia cũng như công nghệ để sản xuất ra các nguyên liệu và phụ gia này.

Nhằm có kiến thức tổng quan hơn về dinh dưỡng sức khỏe tôm cũng như phụ gia dùng để sản xuất thức ăn chức năng tôm, dưới đây là tóm tắt các nhóm dinh dưỡng sức khỏe và phụ gia đề xuất trong việc cân nhắc chọn lựa cho sản xuất thức ăn chức năng tôm.

Trang trại nuôi tôm tại Indonesia. Ảnh: Alexpunker

  1. Peptides & Biopeptides

Peptides & Biopeptides: Có từ các nguồn đạm bột krill và bột cá, đặc biệt bột cá cao cấp (bột cá Peru, bột cá Chilê, bột cá Đan Mạch) hay từ các đạm thủy phân hay đạm lên men đậm đặc (đạm tối thiểu 65%) bằng công nghệ lên men yếm khí như đạm bắp cao cấp lên men (MOTIV) hay một số đạm thủy phân đậm đặc khác từ cá, gia cầm. Các đạm cao cấp lên men thường sẽ có nhiều peptides sinh học (loại peptides có kích cỡ <1.000 Da). Peptide sinh học (biopeptides) rất quan trọng trong cải thiện sức khỏe vật nuôi nhờ chức năng kháng khuẩn, chống stress, chống ôxy hóa, tăng cường miễn dịch cho cơ thể vật nuôi.

  1. Axít hữu cơ

Các dòng axít hữu cơ dạng muối formate (Potassium diformate) bền nhiệt có thể sử dụng cho thức ăn tôm hoặc các axít hữu cơ tự nhiên như Lactic acid sinh ra từ quá trình lên men đạm yếm khí rất tốt cho tôm vì có vai trò giảm pH đường ruột, giúp ức chế Vibrio sp. hay hoạt hóa enzymes ruột và gan tụy, giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Axít hữu cơ dạng lỏng được áo thức ăn ở trại nuôi đã cho thấy hiệu quả trong điều trị phân lỏng của tôm, tuy nhiên các loại axít hữu cơ thích hợp cho tôm như Butyric acid hay Lactic acid trong khi các axít hữu cơ formic, propionic hay citric acids thường không cho hiệu quả cao ở tôm nếu dùng lâu dài.

  1. Cholesterol & Phospholipids

Tôm có nhu cầu cao Cholesterol (tối thiểu 0,12%) và Phospholipids (1,2% – 1,5%) đáp ứng cho quá trình lột xác và tăng trưởng vì Cholesterol và Phospholipids là tiền chất cho quá trình thành lập các hormone steroid lột xác và tăng trưởng. Thiếu hụt Cholesterol và Phospholipids sẽ làm tôm khó lột xác và dễ chết trong quá trình lột xác.

  1. Nucleotides

Nucleotides là dinh dưỡng chống stress tuyệt vời nhất cho tôm nuôi đồng thời giúp tôm ăn ngon miệng, được dùng nhiều trong các sản phẩm thuốc cho tôm tại ao.

  1. Carotenoids

Các sắc tố carotenoids (astaxanthin, xanthophyll…) không chỉ đóng vai trò tăng màu sắc cho tôm mà còn là chất chống ôxy hóa và chống stress rất tốt.

  1. 1,3-1,6 βglucan và các nhóm chất tương tự thuộc chuỗi Oligosaccharides (MOS, Steroid Saponin…)

Nhóm này có nhiều trong các chiết xuất của vách tế bào nấm men, tảo hay nấm giúp tăng cường hoạt hóa hệ miễn dịch tự nhiên cho tôm, ngoài ra đóng vai trò như các prebiotics cho hệ sinh vật có lợi đường ruột.

  1. Các chiết xuất tự nhiên thực vật (phytogenics)

Các chiết xuất tự nhiên từ nguồn thực vật có thuộc tính chống ôxy hóa mạnh, kháng viêm, kháng khuẩn là giải pháp tiềm năng trong thay thế hay giảm thiểu kháng sinh cho thức ăn vật nuôi. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất các chiết xuất tự nhiên thảo mộc này theo hướng công nghệ nano mới có thể tạo hiệu quả cho các phụ gia này.

  1. Probiotics/Enzymes

Probiotics & enzymes được ứng dụng nhiều trong ao nuôi nhằm kiểm soát chất lượng nước thông qua giảm lượng khí độc ammonia trong ao. Probiotics và enzymes đóng vai trò lớn cho sức khỏe tiêu hóa và sức khỏe đường ruột của vật nuôi. Trong ngành thức ăn gia súc và gia cầm cũng được ứng dụng rộng rãi do nhiệt độ nấu thấp nhưng ngành thức ăn tôm và cá việc sử dụng probiotics và enzymes gặp trở ngại do nhiệt độ nấu. Một số chủng Bacillus sp. sinh bào tử có thể dùng trong thức ăn tôm ép viên hay việc phát triển các thiết bị phun sương có thể ứng dụng enzymes cho giai đoạn sau ép đùn viên thức ăn.

  1. Vitamin và khoáng

Khoáng chất có vai trò quan trọng không chỉ xây dựng mô cơ thể mà giúp tôm cứng vỏ nhanh chóng, ngoài ra giúp tôm khỏe mạnh, bóng mượt. Tôm là động vật bậc thấp có hệ tiêu hóa đơn giản và thời gian tiêu hóa nhanh vì vậy cần chọn khoáng hữu cơ để giúp tôm hấp thu tốt hơn. Các vitamin đóng vai trò nhiều về sức khỏe chống stress và tăng cường miễn dịch bao gồm Vitamin C, E và D3.

Trong thực tế rất khó để có một nguyên liệu hay phụ gia đơn có thể giải quyết vấn đề sức khỏe tôm nuôi mà việc phối hợp các nguyên liệu chứa hàm lượng cao các nhóm dinh dưỡng sức khỏe bên trên sẽ là giải pháp tốt nhất trong việc cân nhắc sản xuất thức ăn chức năng cho tôm. Sản phẩm MOTIV là đạm bắp lên men cao cấp chứa nhiều biopeptides, axít hữu cơ và carotenoids có thể là sự phối hợp tuyệt vời với các nguồn đạm cao cấp như bột krill hay các phụ gia từ chiết xuất tế bào nấm men (chứa 1,3 – 1,6 βglucan), Nucleotides, các Vitamin C, E, D3 và chiết xuất thảo mộc (phytogenics) sản xuất bằng công nghệ nano sẽ là giải pháp tốt cho thức ăn chống stress và kìm hãm vi khuẩn cho tôm nuôi.

TS Nguyễn Duy Hòa

Giám đốc kỹ thuật toàn cầu Ngành hàng Empyreal, Cargill Inc.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!