THỨ HAI, ngày 28/4/2025

Kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thực hiện tốt kỹ thuật chuẩn bị ao sẽ giúp tạo được môi trường thuận lợi cho tôm sinh trưởng và phát triển, đồng thời hạn chế dịch bệnh.

Điều kiện ao

Ao nuôi nên có diện tích từ 500 m2 trở lên, tốt nhất từ 1.000 – 3.000 m2. Ao gần nguồn nước ra vào, thường xuyên giữ được mực nước từ 1,2 – 1,5 m. Ao nuôi cần có cống cấp và thoát nước đặt so le, để thuận tiện cho việc cấp và thoát nước. Bờ ao chắc chắn, không rò rỉ, thoáng đãng không bị cớm rợp.

Sau khi thu hoạch cần dùng bơm xịt rửa sạch bùn, rêu bẩn bám vào mặt bạt, đồng thời kiểm tra lại tình trạng bạt. Ảnh: Tép Bạc

Cải tạo ao

Sau khi thu tôm, các vật tư trang thiết bị như: lưới, xi phông, ống, vợt, xô, nhá, bộ sục khí đáy, dàn quạt khí, máy cho ăn,… phải được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng. Sau đó, phơi khô dưới ánh sáng mặt trời nhằm đảm bảo vi khuẩn và mầm bệnh tiềm ẩn đã được tiêu diệt.

Tiếp theo, cần tháo cạn nước, phơi khô đáy ao, dồn chất thải lại và chuyển ra ngoài ao. Phơi đáy ao cho đến khi nền đất đáy nứt nẻ. Phơi ao giúp ôxy hóa các chất hữu cơ, giảm H2S và mầm bệnh. Và đặc biệt người nuôi có thể tận dụng tia cực tím của ánh nắng mặt trời diệt những vi khuẩn và mầm bệnh gây hại. Phơi khô đáy ao trong 2 – 3 tuần.

Riêng với ao không thể tháo hết nước do nước ngấm qua bờ thì nên sên vét bùn đáy ao (lớp bùn đen) một cách triệt để. Bùn đáy phải được bơm vào ao chứa bùn, không bơm bùn ra kênh rạch. Không nên bơm hay đổ bùn lên bờ ao vì nước mưa có thể đem các chất thải trở lại ao nuôi. Gia cố bờ ao, cống ao, hạn chế việc bị rò rỉ, phơi đáy ao tối thiểu 15 ngày.

Đối với ao có trải bạt, sau khi thu hoạch cần dùng bơm xịt rửa sạch bùn, rêu bẩn bám vào mặt bạt, đồng thời kiểm tra lại tình trạng bạt bờ, bạt đáy. Nếu bạt bị thủng cần vá ngay để tránh nền đất đáy bị phèn xì lên ao tôm trong quá trình nuôi. Tình trạng bạt bờ, bạt đáy quá cũ có thể thay mới. Kiểm tra nền đất đáy phía dưới bạt trải; nếu thấy nhiều bùn quá đen, cần cuộn lại bạt, loại bỏ bùn, dùng cát đổ xuống đáy dày 20 cm trở lên, nén chặt, phơi khô và trải bạt trở lại.

Khi lót bạt cho ao, cần đảm bảo việc làm phẳng đáy và phơi khô đáy ao. Ao cần được đầm nén kỹ ở bờ, và nền đáy phải được nghiêng về hướng cống thoát nước. Ưu tiên sử dụng chất liệu vải địa chống thấm HDPE, vì nó giúp kiểm soát tốt quá trình nuôi tôm, đảm bảo vệ sinh, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí. Từ đó giúp đạt lợi nhuận cao hơn trong vụ nuôi. Quá trình trải bạt không nên vuốt quá sát nền đáy, và cần thiết kế 3 đến 4 ống thoát khí nối từ đáy ống lên bờ. Điều này để tránh tình trạng khí tích tụ dưới đáy, gây phồng bạt khi đổ nước vào ao nuôi.

Cấp nước

Lấy nước vào ao qua túi lọc có kích thước từ 30 – 50 µm. Tốt nhất nên lấy nước từ ao lắng qua ao nuôi, sau đó tiến hành xử lý diệt tạp, gây màu nước, ổn định môi trường để tiến hành thả giống.

Nếu nước được lấy từ ao ngoài vào cần xử lý như sau: Chạy quạt nước liên tục 3 ngày để trứng cá và giáp xác nở hết rồi tiến hành diệt tạp bằng bột bã trà (saponin), hoặc các loại hóa chất chuyên dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thời điểm saponin cho hiệu quả cao nhất là từ 4 – 6 giờ sáng. Nên tăng liều sử dụng khi độ mặn của nước ao thấp hơn 10‰. Để xử lý ốc đinh hoặc rong đáy có thể dùng sunphat đồng (CuSO4) với nồng độ xử lý là 2 – 3 ppm (2 – 3 kg/1.000 m³). Lưu ý: Không lấy nước vào ao khi nước ngoài kênh/mương có nhiều váng bọt, màng nhầy, nhiều phù sa, nguồn nước nằm trong vùng có dịch bệnh, nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm.

Hai ngày sau khi diệt tạp, tiến hành diệt khuẩn để loại trừ mầm bệnh có trong nước ao bằng Chlorine, TCCA, BKC,… Trong đó, Chlorine được dùng phổ biến nhất với liều xử lý là 25 – 30 ppm (25 – 30 kg/1000 m³). pH càng cao, hàm lượng chất hữu cơ càng nhiều thì cần phải tăng liều xử lý của Chlorine.

Cho chạy quạt và sục khí liên tục trong vòng 3 – 5 ngày để phân hủy dư lượng hóa chất diệt khuẩn trong ao. Sau đó tiến hành kiểm tra dư lượng hóa chất bằng thuốc thử.

Gây màu nước

Mục đích của việc gây màu cho ao tôm là thúc đẩy sự phát triển của các loại tảo có lợi tự nhiên trong ao nuôi, với mật độ phù hợp. Với mỗi điều kiện môi trường nuôi khác nhau, sẽ có phương pháp gây màu tương ứng. Thông thường, để chuẩn hóa môi trường ao, người nuôi cần bổ sung các chất dinh dưỡng như Dolomite hoặc mật rỉ đường để kích thích sự phát triển của tảo có ích. Màu nước thích hợp cho ao nuôi tôm thường có màu xanh lục nhạt hoặc màu nâu, thể hiện sự cân bằng giữa các loài tảo và vi sinh vật có lợi trong ao. Những loài tảo này giúp cung cấp ôxy, hấp thụ dinh dưỡng dư thừa, và là nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm giai đoạn mới thả.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!