Những năm gần đây, cá bỗng là một trong những đối tượng nuôi lồng chính của một số tỉnh miền núi. Mô hình mang lại hiệu quả cao, phù hợp với quy mô hộ gia đình và góp phần xóa đói giảm nghèo.
Nuôi cá bỗng mang lại hiệu quả cao, phù hợp với quy mô hộ gia đình
Địa điểm đặt lồng
Vị trí đặt lồng phải thông thoáng, xa bờ, khuất gió, không bị nhiễm bẩn bởi nước thải sinh hoạt hoặc nước thải công nghiệp. Không đặt lồng gần bờ có nhiều bóng cây, rong cỏ làm cá dễ bị thiếu ôxy hòa tan hoặc ở những điểm eo, ngách. Khu vực có lưu tốc dòng chảy 0,2 – 0,3 m/s và không có dòng chảy quẩn. Đặt lồng ở nơi dễ đi lại, thuận tiện cho việc quản lý chăm sóc cũng như thu hoạch vận chuyển.
Môi trường nước để đặt lồng tốt nhất phải đảm bảo các yếu tố sau: pH 6,5 – 8,5; DO > 5 mg/lít; NH3 < 0,01 mg/lít; H2S < 0,01 mg/lít, nhiệt độ nước 20 – 330C.
Lồng nuôi
Khung lồng có thể làm bằng gỗ, nhựa hoặc tre, có bề mặt nhẵn. Lưới lồng nuôi cá tốt nhất là loại làm bằng polyetylen (PE) dệt không co rút. Cỡ mắt lưới phụ thuộc vào kích cỡ cá lúc thả.
Lồng bằng gỗ thường được người nuôi sử dụng nhiều hơn vì chi phí thấp hơn nhưng độ bền cao. Khung lồng bằng gỗ kích thước 6x4x1,5 m. Lắp khung đáy và khung nắp lồng có kích thước 6×4 m và 4 cọc đứng 1,5 m.
Hệ thống phao làm cho lồng cá luôn nổi, giữ ổn định mức ngập nước của lồng, thường được dùng các loại phi nhựa hay các loại can nhựa và phao để nâng lồng nuôi.
Kỹ thuật đặt lồng
Diện tích lồng bè chiếm không quá 0,2% diện tích khu vực mặt nước lúc cạn nhất. Ví dụ: Trên một đoạn sông dài 1.000 m, rộng 500 m chỉ được phép đặt 100 lồng, diện tích 10 m2/lồng.
Đặt lồng ngập nước 1 – 1,2 m, khoảng cách đáy lồng và đáy hồ khoảng 0,5 m trở lên. Khoảng cách giữa các lồng ít nhất 10 – 15 m và đặt so le nhau để tạo sự lưu thông cho dòng chảy. Mỗi cụm lồng có 15 – 20 lồng, khoảng cách giữa các cụm lồng tốt nhất là 500 m.
Trên lồng làm một nhà bảo vệ đủ để cho 1 – 2 người sinh hoạt trông coi thường xuyên, vật liệu làm nhà có thể bằng tôn, gỗ, tre…
Chọn giống
Con giống càng lớn thì càng đảm bảo tỷ lệ nuôi sống, rút ngắn được chu kỳ nuôi. Cá khỏe mạnh, cỡ cá thả 8 – 10 cm, không bị xây xát, nhiễm dịch bệnh, đồng đều về kích cỡ.
Mật độ: Khoảng 20 – 30 con/m3.
Mùa vụ thả cả: Tháng 4 – 8 dương lịch, tốt nhất nên thả tháng 4 khi nhiệt độ môi trường lên cao mà cũng không quá nóng. Trước khi thả tiến hành tắm cho cá bằng nước muối (NaCl) 2 – 3% trong thời gian 10 – 15 phút. Nên thả cá khi trời mát (sáng sớm hoặc chiều tối) để đảm bảo cho cá khỏe mạnh. Khi thả cá, ngâm bao cá giống vào lồng nuôi khoảng 10 – 15 phút để cân bằng môi trường nước, sau đó cho nước từ từ vào miệng túi và tiến hành thả cá.
Cho ăn
Cá bỗng là loài ăn tạp và ăn rất nhiều, thức ăn chủ yếu các loại phụ phẩm chăn nuôi, có thể tận dụng bèo, thân chuối băm nhỏ, rau… Sử dụng thức ăn tinh cho cá ăn 2 lần/ngày vào các giờ cố định với lượng thức ăn 2 – 3% trọng lượng cá trong lồng. Thức ăn xanh với lượng 30% trọng lượng cá, cho ăn 2 lần/ngày. Ngoài ra, người nuôi cũng có thể sử dụng kết hợp thức ăn tự chế với hàm lượng đạm 30 – 35% hoặc thức ăn công nghiệp cho cá ăn để đạt hiệu quả cao. Khi cho ăn, nên cho thức ăn vào lồng từ từ để tránh thất thoát ra ngoài. Thức ăn xanh cho xuống ao nuôi cần đảm bảo không chứa thuốc bảo vệ thực vật, non và mềm để cá dễ ăn. Thức ăn công nghiệp nên chọn thức ăn dạng viên nổi và không tan trong nước để hạn chế hao hụt thức ăn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước.
Lượng thức ăn được điều chỉnh theo trọng lượng cá nuôi tránh tình trạng dư thừa ảnh hưởng đến môi trường cũng như hiệu quả kinh tế. Cứ 10 ngày kiểm tra tốc độ sinh trưởng cá 1 lần trên cơ sở đó ước lượng được khối lượng cá trong ao. Ðối với thức ăn tự chế phải chế biến có độ kết dính cao, tránh thất thoát khi cho cá ăn. Thành phần dinh dưỡng thức ăn phải đảm bảo cho cá sinh trưởng tốt.
Chế độ chăm sóc
Hàng ngày cần chú ý theo dõi các hiện tượng, hoạt động của cá trong lồng nuôi, tình hình sử dụng thức ăn để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của cá và có biện pháp xử lý kịp thời.
Khi có dịch bệnh xảy ra, cần cách ly những lồng, bè bị bệnh bằng biện pháp kéo lồng bè xuồng vị trí cuối dòng nước chảy và kịp thời chữa bệnh cho cá. Khi cá nuôi bị bệnh nặng và có khả năng lây lan, phải tiến hành thu hoạch ngay toàn bộ lồng nếu đã đạt yêu cầu thương phẩm.
Cần áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh cho cá. Định kỳ bổ sung thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá nuôi.
Vệ sinh lồng, bè
Trước khi thả cá và sau mỗi đợt thu hoạch, đưa lồng lên cạn (nếu có điều kiện) dùng vôi quét trong và ngoài lồng hoặc dùng Chlorine 30 ppm phun lên lồng, sau đó phơi khô 1 – 2 ngày.
Trong quá trình nuôi, định kỳ mỗi tuần vệ sinh lồng ít nhất 1 lần, thực hiện trước mỗi bữa ăn của cá. Dùng bàn chải nhựa cọ sạch các cạnh bên trong và ngoài lồng lưới, loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng bám vào cụm lồng nuôi. Đồng thời, vừa vệ sinh vừa để ý các mắt lưới hay nếu có các vết rạn nứt thì phải xử lý ngay nhằm hạn chế cá thất thoát.
Vào những ngày thời tiết xấu như mưa, bão… nên kiểm tra lồng cẩn thận, neo và thêm dây neo đảm bảo không bị đứt dây neo khi có dòng chảy mạnh, neo lồng vào những nơi an toàn, có thể thu hoạch bớt cá lớn để giảm trọng lượng trong lồng và giảm thiệt hại.
Định kỳ 2 – 3 tháng, chuyển lồng đến địa điểm mới cách địa điểm cũ 100 – 200 m nhằm giảm thiểu rủi ro dịch bệnh.
Thường xuyên treo các túi vôi với lượng 2 – 4 kg/10 m3 nước ở đầu nguồn nước hoặc khu vực cho ăn trong các lồng bè để khử trùng và khử chua cho môi trường nước. Hoặc định kỳ 2 lần/tháng sử dụng viên sủi Vicato với lượng 50 g/10 m3 nước để sát trùng, phòng bệnh cho cá nuôi.
Thu hoạch
Cá nuôi đạt kích cỡ thương phẩm có khối lượng 1,5 – 2 kg/con thì tiến hành thu hoạch. Có thể thu tỉa dần, các con bé thả lại lồng tiếp tục nuôi để đạt khối lượng xuất bán.