Cá lóc bông (Channa micropeltes) có thịt thơm ngon, rất được ưa chuộng. Nghề nuôi cá lóc bông đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế. Thủy sản Việt Nam giới thiệu cùng bà con kỹ thuật nuôi loài cá này.
Chuẩn bị ao nuôi
Ao nuôi nên có diện tích từ 500m2 trở lên, độ sâu từ 2,5 – 3m. Bờ ao phải cao, chắc chắn, không bị rò rỉ, hang hốc. Trước khi thả cá nuôi, cần phải vét bùn, cải tạo ao. Hệ thống cấp và thoát nước dễ dàng.
Rải vôi đáy ao, bờ ao với lượng từ 10 – 15 kg/100 m2, phơi ao từ 2 – 3 ngày rồi cấp nước vào ao. Nguồn nước cấp vào ao phải chủ động, nước không bị nhiễm phèn và mặn (độ pH của nước >6; độ mặn <5‰).
Mùa vụ và mật độ thả giống
Tại các tỉnh Nam bộ, có thể thả nuôi cá lóc bông quanh năm. Còn tại các tỉnh miền Bắc do bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh nên chỉ nuôi 1 vụ, bắt đầu từ tháng 3 – 4 và thu hoạch trước mùa đông.
Chọn và thả giống: Cá giống phải có kích cỡ đồng đều (trọng lượng thân từ 15 – 20g/con). Cá khỏe mạnh, hoạt động nhanh nhẹn, màu sắc tươi sáng, cơ thể cân đối, nhiều nhớt. Mật độ thả từ 20 – 25 con/m2.
Lưu ý: Trước khi thả, tắm cá giống qua nước muối có nồng độ 25 – 30‰ để tiêu diệt mầm bệnh. Thả cá vào buổi sáng, hoặc chiều mát.
Cần kiểm tra cá lóc bông thường xuyên để phát hiện các biểu hiện bất thường – Ảnh: Phan Thanh Cường
Chăm sóc và cho ăn
Thức ăn cho cá lóc bông chủ yếu là cá tạp biển, cá vụn, cua, ốc… Khi cá còn nhỏ (2 tháng đầu) thức ăn cần được xay nát hoặc băm nhỏ. Khi cá lớn hơn chỉ cần băm nhỏ hoặc cắt khúc đối với những loại thức ăn có kích cỡ lớn hoặc quá dài. Với loại thức ăn này cho cá ăn với khẩu phần từ 3 – 5% trọng lượng thân.
Có thể dùng thức ăn chế biến (lượng cá tạp phải chiếm 50% trở lên). Hàm lượng đạm trong thức ăn chế biến phải đảm bảo từ 25 – 35% thì mới đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cá. Với thức ăn chế biến cho ăn từ 5 – 7% trọng lượng thân.
Cho thức ăn vào sàng ăn (có chiều dài từ 3 – 4m; rộng 0,5m) đặt gần bờ và ngập sâu trong nước khoảng 10cm.
Quản lý môi trường ao nuôi
Hàng ngày kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của cá để điều chỉnh hợp lý. Thay nước định kỳ mỗi tuần một lần, mỗi lần thay từ 30 – 40% lượng nước.
Phòng và trị bệnh
Kiểm tra cá thường xuyên, phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường của cá: cá bỏ ăn, bơi lội không bình thường, có dấu hiệu bị bệnh… để có biện pháp chữa trị kịp thời. Cá lóc bông có thể mắc một số loại bệnh do các tác nhân như: vi khuẩn, ký sinh trùng, giun sán ký sinh, giáp xác ký sinh… Có thể dùng một số loại thuốc và hóa chất như: thuốc tím (KMnO4, H2O2), muối ăn để phòng và trị bệnh cho cá.
>> Cá lóc bông chịu rét kém, vì vậy người nuôi cần phải thu hoạch đúng thời vụ. Nếu muốn giữ cá qua mùa đông (bán vào dịp tết Nguyên đán) cần phải có biện pháp chống rét hiệu quả để tránh thiệt hại. |
“Bệnh cá, tôm, cua, lươn, ếch, ba ba và biện pháp phòng trị” Sách do KS Nguyễn Xuân Giao biên soạn nhằm giúp giúp người nuôi các đối tượng thủy hải sản nước ngọt phòng trị bệnh đạt hiệu quả cao. Qua 6 phần của cuốn sách sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin cần thiết về những loại bệnh như: bệnh do virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… và hướng dẫn người nuôi cách phòng trị các loại bệnh trên. Đặc biệt là cách sử dụng các loại thảo dược để phòng trị bệnh, vừa tiện lợi, rẻ và không gây nhiễm hóa chất cho vật nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sách do Nhà xuất bản Thanh Hóa phát hành. Tuấn Tú |