Vị trí nuôi – Lồng bè nuôi cần đặt ở vùng eo, vịnh hay mặt sau của đảo. – Tránh nơi sóng to, gió lớn có thể làm hư hỏng lồng, trôi thức ăn, làm cho cá khó bắt mồi, dẫn đến hoạt động yếu gây chậm lớn và phát sinh bệnh. – Độ sâu […]
– Lồng bè nuôi cần đặt ở vùng eo, vịnh hay mặt sau của đảo.
– Tránh nơi sóng to, gió lớn có thể làm hư hỏng lồng, trôi thức ăn, làm cho cá khó bắt mồi, dẫn đến hoạt động yếu gây chậm lớn và phát sinh bệnh.
– Độ sâu từ đáy lồng cách mặt đáy biển ít nhất 5 – 10 m khi thủy triều xuống thấp nhất.
– Cần tránh đặt lồng nơi nước chảy quá yếu hay nước đứng dễ dẫn đến tình trạng cá yếu dần và chết do thiếu ôxy.
– Tốc độ dòng chảy thích hợp từ 0,2 – 0,6 m/s.
– Đảm bảo hàm lượng ôxy từ 4 – 6 mg/l, nhiệt độ 25 – 300C, pH từ 7,5 – 8,3 độ mặn từ 20 – 33‰.
– Tránh xa những nơi bị ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thải độc hại, nước thải sinh hoạt và khu vực bến cảng nơi có nhiều tàu thuyền neo đậu. Tránh xa các khu dân cư.
Sau thời gian nuôi khoảng 4 – 7 tháng, cá mú có thể cho thu hoạch. Ảnh: Vũ Mưa
Hiện tại, có hai loại lồng nuôi phổ biến là lồng bằng gỗ, có thể tích khoảng 27 – 100 m3, phù hợp để nuôi cá trong các vùng biển hoặc vùng vịnh yên lặng, kín sóng gió. Loại thứ hai là lồng nhựa HDPE hình tròn hoặc vuông, với thể tích từ 300 m3 trở lên. Loại lồng bè này có thể được dùng ở các vùng biển xa, nhất là dòng hình tròn có thể chịu được gió bão ngoài biển. Lồng cá công nghệ cao HDPE còn được gọi là lồng nuôi thân thiện với môi trường và ưu việt ở độ bền lớn.
Hiện nay nguồn giống để nuôi cá mú lồng chủ yếu vẫn là đánh bắt ngoài tự nhiên, cá giống có thể vận chuyển theo nhiều phương pháp như bằng thùng có sục khí, bao nilon bơm ôxy…
Cá giống thả nuôi phải khỏe mạnh, không bị xây xát. Cá cần đồng cỡ, để tránh tình trạng cá lớn ăn cá nhỏ, tranh mồi của cá nhỏ dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao. Kích cỡ cá giống thích hợp từ 12 – 15 cm.
Trước khi đưa cá vào khu vực lồng nuôi, cá giống cần được tắm sát khuẩn bằng Formalin hoặc Iodine. Trong đó, Formalin có nồng độ 100 – 200 ml/m3 và cần được tắm trong 10 – 15 phút. Iodine nồng độ 5 – 7 ml/m3, tắm trong 10 – 15 phút.
Khi vận chuyển cá ra lồng và thả, cần vận chuyển cá bằng túi khí có bơm nước và ôxy, với nhiệt độ trung bình là 20 – 220C. Cân bằng nhiệt độ túi khí và nước biển bằng cách ngâm túi cá giống dưới nước biển trong khoảng 10 – 15 phút trước khi thả cá vào khu vực lồng nuôi.
Hiện, trong nuôi cá mú có thể sử dụng thức ăn tươi là cá tạp hoặc thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, thức ăn công nghiệp được ưa chuộng hơn nhờ vào hiệu quả kinh tế cao hơn khi ăn cá tạp, người nuôi cũng chủ động được nguồn thức ăn và hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng nước.
Thức ăn tươi sử dụng là cá tạp (tôm, cá, cua, ghẹ nhỏ…) trong khi đó, thức ăn công nghiệp dạng viên nổi (dùng cho cá nuôi mặn, lợ) có độ đạm tối thiểu 40%. Đối với từng giai đoạn phát triển của cá, cần chọn kích cỡ viên thức ăn sao cho phù hợp với cỡ miệng của cá. Thức ăn được bảo quản nơi khô ráo và không bị ẩm mốc. Khẩu phần cho ăn hằng ngày bằng 3 – 10% trọng lượng cá. Cho cá ăn ngày 2 lần, vào lúc sáng sớm (6 – 8h) và chiều tối (16 – 18h).
Hàng ngày cần theo dõi tình trạng hoạt động và mức độ bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Sau 1 giờ cho ăn, kiểm tra nếu thấy thức ăn còn thừa, cần vớt bỏ để tránh gây ô nhiễm môi trường nuôi.
Khi cá bị bệnh hoặc thời tiết quá nóng, lạnh thì giảm lượng thức ăn từ 10 – 30%.
Định kỳ hàng tháng kiểm tra sinh trưởng của cá. Chỉ tiêu cần quan tâm là đo khối lượng trung bình cá để đánh giá tốc độ tăng trưởng và là căn cứ để điều chỉnh lượng thức ăn cho cá. Khối lượng cá đo lần sau phải lớn hơn lần đo trước. Trường hợp lần đo sau không tăng trưởng hoặc tăng trưởng chậm, cần phải xem lại chất lượng thức ăn, kích cỡ và lượng thức ăn cho ăn hàng ngày để điều chỉnh.
Thường xuyên kiểm tra khung bè, hệ thống phao, neo và dây neo để đảm bảo độ chắc chắn của hệ thống bè nuôi. Kịp thời phát hiện những lỗ thủng do bão gió, sinh vật bám, cắn hay do lão hóa lưới lồng. Đồng thời, xử lý và ngăn chặn kịp thời cá thất thoát. Hàng ngày vệ sinh lồng lưới, loại bỏ thức ăn dư thừa, rác, túi nilon… bám vào lồng lưới.
Sau 4 – 5 tuần, khi thấy lồng lưới bị bám bẩn bởi hầu, hà, tảo, rong… cần tiến hành thay lồng lưới.
Hàng ngày tiến hành đo các chỉ tiêu môi trường nước (ôxy, pH, độ mặn) để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi môi trường thay đổi xấu như nhiều cặn bã, sinh vật lạ xuất hiện hay cá xung quanh bị nhiễm bệnh cần treo trong lồng túi thuốc tím, để phòng bệnh cho cá, hoặc di chuyển lồng nuôi đến vị trí khác thuận lợi hơn.
Thời gian nuôi cá từ 4 – 7 tháng, tùy theo nhu cầu của thị trường. Thông thường, cá đạt kích cỡ 0,4 kg/con trở lên thì có thể thu hoạch. Lồng nuôi cá cần chuyển sang địa điểm mới sau 2 – 3 năm nuôi để môi trường nuôi có điều kiện phục hồi.
Trước khi thu hoạch, cần dừng cho cá ăn 3 ngày để cá đào thải hết các chất bẩn trong cơ thể, cũng phần nào giúp cá trình vận chuyển được sạch sẽ hơn.
Kim Tiến