Kỹ thuật nuôi cá ngạnh trong ao đất

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá ngạnh là một trong những loài cá nước ngọt có thịt ngon, giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Đây được xem là đối tượng nuôi có triển vọng phát triển ở nhiều địa phương của nước ta.

Yêu cầu ao nuôi

Ao nuôi có diện tích khoảng 1.000 – 2.000 m2, độ sâu nước 1,8 – 2 m, độ sâu bùn đáy ao 20 – 30 cm. Ao được xây dựng ở nơi quang đãng, không bị cớm rợp. Bờ ao bằng đất, lát bê tông hoặc xây gạch, chiều cao bờ hơn mức nước cao nhất hàng năm (0,5 m) để hạn chế thất thoát cá vào mùa mưa; cống cấp và cống thoát nước đảm bảo thuận tiện cho việc cấp và thoát nước dễ dàng. Ao nuôi được tát cạn, dọn sạch đáy và xung quanh bờ ao, vét bớt bùn đáy ao, lấp hết các hang hốc quanh bờ ao, tu sửa bờ ao và khắc phục mọi chỗ rò rỉ. Dùng vôi bột tẩy đáy ao với lượng 7 – 10 kg/100 m2. Phơi đáy ao 2 – 3 ngày sau đó lấy nước sạch vào ao. Nước cấp vào ao được lọc qua lưới lọc (mắt lưới 2a = 1 cm) để hạn chế cá tạp vào ao nuôi.
Trước khi thả cá, môi trường ao phải đảm bảo các chỉ tiêu sau: pH: 7 – 8; độ trong: > 25 cm; hàm lượng ôxy hoà tan trong nước > 5 mg/l.

Con giống

Để chọn được nguồn cá giống đảm bảo chất lượng, nên lựa chọn các cơ sở cung ứng con giống thủy sản có uy tín, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc con giống; không mua cá giống của các cơ sở không rõ ràng, các đối tượng bán rong nhỏ lẻ.

Khi chọn giống, quan sát cá giống phải đồng đều, không dị hình, không bị xây xát, màu sắc sáng đẹp, hoạt động nhanh nhẹn, bơi theo đàn, phản ứng nhanh với tiếng động, lặn sâu xuống đáy, bơi ngược dòng.

Mật độ nuôi ao 1,5 con/m2, với kích cỡ cá khi bắt đầu thả từ 40 – 50 g/con (kích thước 16 – 18 cm). 

Cá trước khi vận chuyển phải được luyện ép bằng cách nhốt cá trong bể xây đã được đánh bóng. Không luyện ép cá trong lưới hoặc giai vì cá dễ bị xây xát. Khi vận chuyển cần đánh bắt nhẹ nhàng, đựng trong các xô chậu, hạn chế bắt cá bằng vợt. Không đánh bắt, vận chuyển cá giống vào những ngày trời nắng to, mới mưa xong hoặc những ngày thời tiết quá rét.

Thả giống tốt nhất vào tháng 3 – 4 hàng năm, khi nhiệt độ nước tăng dần theo chu kỳ năm.

Trước khi thả giống, nên ngâm túi đựng cá vào trong nước ao khoảng 10 – 15 phút, để nhiệt độ trong túi nilon cân bằng với nhiệt độ môi trường nước ao nuôi. Lưu ý thả nơi đầu gió để cá phân tán đều trong ao.

Thức ăn

Thức ăn nuôi cá Ngạnh thương phẩm có dạng viên nổi, thành phần dinh dưỡng 40% protein, 7% lipid. Thức ăn được bảo quản trong kho thoáng mát, được kê cao khỏi mặt sàn từ 20 – 30 cm, cách tường từ 40 – 50 cm và sử dụng đúng thời hạn. Không cho cá ăn thức ăn đã hết hạn sử dụng hoặc bị mốc.

Khẩu phần ăn theo từng giai đoạn như sau: Cá có khối lượng < 100 g: cho ăn 4 – 5% khối lượng cá; Cá 100 – 300 g: cho ăn 3 – 4% khối lượng cá và cỡ cá > 300 g: cho ăn 3% khối lượng cá.

Thời gian cho cá ăn 2 lần/ngày. Buổi sáng vào 6 – 8h, buổi chiều 16 – 18h. Vào những ngày thời tiết thay đổi cần giảm lượng thức ăn; đặc biệt khi cá có hiện tượng nổi đầu không nên cho ăn.

Chăm sóc

Thường xuyên kiểm tra lồng nuôi cá, tốt nhất là vào mỗi buổi sáng và buổi chiều để biết hoạt động bất thường của cá. Vào những thời điểm thời tiết diễn biến thất thường, âm u hay mưa lớn hoặc hoạt động đánh bắt đều có thể làm cá dễ bị stress khiến cá bỏ ăn, nếu nặng có thể phát sinh bệnh và chết. Do đó, cần theo dõi chất lượng nước chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra sức khỏe của cá. Các quá trình đánh bắt, kéo lưới, vệ sinh lồng cần được thực hiện một cách nhẹ nhàng, thao tác nhanh gọn.

Hàng tháng cân đo ít nhất 30 cá thể, tính khối lượng trung bình làm cơ sở tính toán lượng cá trong ao và lượng thức ăn.

Định kỳ 2 tháng/lần cho cá ăn phòng thuốc thảo dược KN04-12 theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhằm hạn chế bệnh nhiễm khuẩn. Khi cá mắc bệnh cần tham khảo ý kiến chuyên gia bệnh, không nên tự tiện sử dụng thuốc hóa chất để điều trị. Đối với ao nuôi, thường xuyên bón thêm chế phẩm sinh học nhằm cải thiện chất lượng nước ao, hàng tuần bón thêm vôi với liều dùng 2 kg/100 m2.

Thu hoạch

Sau thời gian nuôi 12 tháng thì có thể tiến hành thu hoạch, cỡ cá trung bình khoảng 400 – 600 g/con.

>> Trong những ngày mới thả, hàng ngày cần thường xuyên quan sát hoạt động của cá để phát hiện những biểu hiện bất thường, kịp thời xử lý.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!