(TSVN) – Nuôi cá trong ao bán nổi là phương pháp nuôi mới, không cần đào ao, chỉ cần tạo dựng bờ trên mặt ruộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp hai lần so với nuôi ao truyền thống.
Ao nuôi được thiết kế, bố trí nổi trên lưng chừng mặt ruộng nên giúp giảm chi phí làm ao khoảng 40%. Bởi lẽ, ao chìm sâu hơn nên tốn công đào, tốn diện tích chứa đất, trong khi ao nổi chỉ cần đào từ 30 – 50 cm, sau đó lấy lớp đất màu đắp thành bờ cao từ 1,5 – 2 m là có thể đưa vào sử dụng, thuận lợi cho việc cơi nới, mở rộng diện tích khi cần. Mực nước trong ao nuôi cá thịt 1,8 – 2 m và cá giống 1,3 – 1,5 m. Việc không đào sâu cũng giúp ao nuôi giữ được mặt nền đáy ao cứng cáp, bằng phẳng, ít phải nạo vét bùn, rất thuận lợi cho việc thu hoạch và vệ sinh đáy ao.
Ao nuôi phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của một ao nuôi cá công nghiệp: hệ thống cống cấp, thoát nước, quạt ôxy, máy đảo nước, máy cho ăn…
Nuôi cá trên ao bán nổi mang lại hiệu quả kinh tế cao so với ao nuôi truyền thống. Ảnh: ST
Trước mỗi vụ nuôi cần cải tạo ao nuôi theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Tháo cạn nước trong ao, sên vét bùn đáy ao để loại bỏ dịch hại. Bón vôi CaO để tiêu diệt mầm bệnh từ vụ nuôi trước. Vệ sinh khử trùng xung quanh bờ và đáy ao, tu sửa bờ ao.
Nguồn nước được xử lý kỹ lưỡng bằng chế phẩm sinh học trước khi cấp vào ao nuôi.
Chọn giống: Cần thả cá giống, khỏe mạnh, không bị xây xát, không dị tật, màu sắc tươi sáng, không có bệnh. Các loài cá khác nhau thì quy cỡ chiều dài thân khác nhau.
Nên đặt mua giống tại các cơ sở sản xuất, các trại cá giống có uy tín, tránh mua các loại cá giống không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường.
Trước khi tiến hành thả cá giống vào ao, nên để cho cá ở trong môi trường nước muối 2%. Cách pha nước muối là 20 g muối hòa lẫn với 1 lit nước. Ngâm cá ở trong nước muối khoảng từ 5 – 10 phút để loại trừ các ký sinh trùng và xử lý nhiễm trùng tại các vết trầy xước trên thân cá.
Thả giống: Phải đảm bảo tránh cá bị sốc do sự chênh lệch nhiệt độ khi vận chuyển. Khi giống được vận chuyển đến địa điểm thả cần cân bằng nhiệt độ nước trong bao và ao bằng cách ngâm túi cá xuống ao 5 – 10 phút, và nghiêng bao cho cá ra từ từ.
Thời điểm thả cá giống tốt nhất vào buổi sáng hoặc chiều mát. Tránh thả cá vào lúc trời đang mưa to hay nắng gắt có thể làm cá bị sốc nhiệt, yếu dẫn đến cá chết.
Mật độ thả tùy vào từng loại cá. Thông thường, mật độ phù hợp khi thả cá nước ngọt khoảng 0,7 – 1,5 con/m2.
Tùy vào điều kiện tài chính để cân nhắc lựa chọn loại thức ăn cho phù hợp. Có thể sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn chế biến đều được. Tuy nhiên, thức ăn công nghiệp sẽ có nhiều ưu điểm hơn. Thức ăn công nghiệp phải có độ đạm cao, người nuôi cần dựa vào từng giai đoạn phát triển của cá để lựa chọn loại cỡ thức ăn phù hợp.
Cho cá ăn đúng theo quy trình kỹ thuật là hết sức quan trọng, khi cho ăn cần phải tuân thủ đủ về chất, lượng, địa điểm, thời gian. Khi cá còn nhỏ, cho ăn với lượng bằng 5 – 7% khối lượng cơ thể và giảm dần xuống 2 – 3% khi cá lớn. Nên cho cá ăn vào sáng sớm và chiều mát. Giảm lượng cho ăn khi thời tiết trở lạnh. Khi cá ăn xong cần vớt hết thức ăn thừa, tránh làm ô nhiễm nguồn nước.
Định kỳ bổ sung Vitamin C vào thức ăn giúp cá tăng cường sức đề kháng và hạn chế nhiễm bệnh.
Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, độ pH cũng như tình trạng ao nuôi. Định kỳ 2 lần/tháng bón vôi bột với lượng 2 kg/100 m2 để ổn định chất lượng nước.
Sử dụng tỏi, ngâm ủ với đường, dấm (theo công thức 10kg tỏi, 16 lít nước, 1kg đường, 1 lít dấm), dùng máy trộn đều với thức ăn công nghiệp cho ăn 2 – 3 lần/tuần để tăng sức đề kháng cho cá.
Đối với những ngày trời nắng nóng, cá có hiện tượng nổi đầu để lấy ôxy. Người nuôi cần hạn chế bón phân, sử dụng các loại máy bơm, máy tạo ôxy để làm mát, cung cấp ôxy cho cá.
Diệu Châu