Kỹ thuật nuôi hàu Thái Bình Dương

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Khi nuôi hàu Thái Bình Dương, cần có những biện pháp chăm sóc như thế nào để chúng có thể phát triển tốt?

(Phan Thanh Hải, phường Cẩm Thành, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh)

Trả lời:

– Trong quá trình nuôi, định kỳ kiểm tra, gia cố hệ thống bè nuôi, đặc biệt là trước và trong mùa mưa bão. Có thể hạ sâu dây hàu để hạn chế ảnh hưởng sóng gió. Khoảng 15 – 20 ngày kiểm tra tốc độ sinh trưởng phát triển của hàu cũng như vệ sinh dây nuôi hàu, loại bỏ những vật bám, rong, rêu và phù sa…

– Trong quá trình nuôi phải chủ động phải san thưa dây hàu để đảm bảo điều kiện thức ăn cho sinh trưởng và phát triển. Cần chú ý mật độ bám và vị trí bám của hàu trên dây nuôi. Nếu hàu bám nhiều ở tầng trên của dây nuôi chứng tỏ nền đáy có vấn đề như: pH thấp hoặc bùn đáy quá dày, rong bám nhiều, đáy có nhiều khí độc… Khi đó, cần làm vệ sinh nền đáy, điều chỉnh vật bám thưa ra.

– Thu gom rác thải sinh hoạt và rác thải sản xuất vào nơi quy định. Đối với xác hàu chết phải loại bỏ đúng nơi quy định, không vứt ra môi trường xung quanh dễ gây ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện bệnh bùng phát.

– Vào những ngày trời mưa cần thường xuyên kiểm tra độ mặn. Nếu có hiện tượng độ mặn giảm thấp cần phải kiểm tra xung quanh xem có nguồn nước ngọt chảy trực tiếp vào vùng nuôi không để để có biện pháp xử lý kịp thời.

– Trong điều môi trường không thuận lợi như độ mặn thấp, nguồn thức ăn giảm… có thể hạ các dây nuôi xuống sâu hoặc di chuyển hàu đến vùng khác; thường xuyên kiểm tra các thiết bị nuôi như dàn bè, phao, dây nuôi, lồng nuôi nhằm phát hiện và sửa chữa kịp thời.

– Thực hiện quan trắc một số yếu tố môi trường chính như pH, hàm lượng ôxy hòa tan, độ mặn, độ kiềm… để có biện pháp kỹ thuật điều chỉnh kịp thời.

Lưu ý: Ghi chép nhật ký đầy đủ, lưu giữ nhật ký để thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hỏi: Tôi chuẩn bị nuôi hàu Thái Bình Dương, xin tư vấn hình thức và cách thiết kế công trình nuôi phù hợp?

(Lê Thái Bảo, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh)

Trả lời:

Hình thức nuôi hàu Thái Bình Dương phổ biến hiện nay là nuôi treo trên bè hoặc nuôi khay. Trong đó, hình thức nuôi treo trên bè là phù hợp với điều kiện của Hà Tĩnh. Đây cũng là hình thức nuôi chủ yếu hiện nay bởi nuôi trên trên bè, hàu có tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, dễ quản lý, chăm sóc và thu hoạch. Hàu giống bám trên các giá thể (vỏ nhuyễn thể, nhựa…) được đục lỗ và treo trên các dây.

– Thiết kế bè nuôi: Nguyên vật liệu: Tre, luồng, gỗ bạch đàn… có chiều dài trung bình 9 m, đường kính 7 – 10 cm, sau khi đã ngâm và phơi khô. Mỗi bè cần 32 cây.

+ Dây cước nhựa: Ф 3 – 4 mm, 30 kg dây nhựa/bè.

+ Phao xốp: 40 x 50 x 60 cm, đã được bọc bạt để chống sun, hà bám: 6 quả/bè.

+ Dây neo: dùng dây đay hoặc nilon bện Ф >2,5 cm, 30 kg dây neo/bè.

      + Neo sắt: neo 2 mỏ > 50 kg: 2 neo/2 bè hoặc đóng cọc sâu xuống đáy bùn 2 m.

– Thiết kế neo: Tùy địa hình cụ thể mà thiết kế neo bè cho phù hợp, nếu  khu vực đáy là đá tảng hoặc các rạn san hô thì dùng neo sắt để cố định bè. Khu vực có đáy cát bùn dùng phương pháp đóng cọc gỗ để neo bè.

+ Kích thước bè: từ 81 m2: (9 x 9 m). Mỗi bè dùng 2 neo ở 2 đầu (neo sắt hoặc cọc gỗ). Có thể kết hợp nhiều bè thành một mảng (dàn bè) lớn để nuôi.

– Các cây tre dùng treo dây hàu được đặt theo chiều ngang của bè, khoảng cách giữa các thanh này từ 25 – 30 cm.

– Dây treo giống có các vật bám để hàu bám treo trên bè, độ dài dây tùy theo độ sâu nước vùng nuôi và khả năng tải của bè nuôi.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!