(Thủy sản Việt Nam) – Ngao là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao, được nuôi ở nhiều tỉnh ven biển nước ta, mang lại hiệu quả cao trên vùng triều. Thủy sản Việt Nam giới thiệu cùng bà con kỹ thuật nuôi ngao thương phẩm.
Ảnh: Phan Thanh Cường
Chọn và chuẩn bị bãi nuôi
Chọn bãi
Bãi nuôi ngao thường là bãi triều, các eo vịnh có sóng nhỏ, nơi có nguồn nước ngọt nhất định chảy vào. Đáy là cát bùn, độ mặn từ 15-25‰, thời gian phơi bãi không quá 4-5 giờ/ngày.
Chuẩn bị bãi nuôi
Cải tạo bãi: Vệ sinh, thu gom đá sỏi, rác… Khi triều xuống cần cày xới mặt bãi sâu khoảng 5-10cm, san phẳng mặt bãi để ngao giống dễ dàng chui xuống, tránh bị nước triều cuốn đi.
Tạo luống: Luống có cùng hướng với dòng chảy của thủy triều khi lên, xuống. Mỗi luống rộng 1,5m, giữa hai luống có lối đi để tránh dẫm lên bãi sau khi thả giống. Những vùng nuôi ngao có thời gian phơi bãi trên 5 giờ/ngày cần có biện pháp giữ nước, tạo độ ẩm cho bãi nuôi.
Quây lưới quanh bãi: Dùng lưới có cỡ mắt lưới 2a = 1cm, cao 80cm. Dùng cọc tre, gỗ để giăng lưới. Lưới vùi sâu xuống mặt bãi khoảng 30cm, cao so với mặt bãi từ 60-70cm.
Chọn và thả giống
Ngao giống có chất lượng tốt, ngao nhỏ có hình tròn đều, màu hồng – trắng. Tùy thuộc vào kích cỡ giống, tuy nhiên kích cỡ tối thiểu từ 0,5-1cm/con. Mật độ thả theo bảng sau:
Lưu ý: Khi mua ngao giống từ địa phương khác về, do ngao giống được giữ trong nhiệt độ thấp, nên cần cho ngao thích nghi dần với môi trường, tránh làm ngao bị sốc và hao hụt sau khi thả.
Chăm sóc và quản lý
Nuôi ngao không cần cho ăn, vì thức ăn của ngao là các động thực vật phù du có trong nước. Tuy nhiên, vì mẫn cảm với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, nguồn nước bị ô nhiễm… nên rất dễ dẫn tới hiện tượng ngao chết hàng loạt.
Khi gặp điều kiện bất lợi, ngao có thể trồi lên mặt đáy và di chuyển đi nơi khác. Vì vậy, cần theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời. Hàng ngày khi nước triều rút, cần nhặt rác, ngao chết, vệ sinh bãi nuôi để tránh làm ô nhiễm bãi.
Sau khoảng 13 – 15 tháng nuôi có thể tiến hành thu hoạch. Thời gian thu hoạch thích hợp nhất là cuối mùa xuân hoặc đầu mùa thu.
>> Mấy năm gần đây, hiện tượng ngao chết hàng loạt xảy ra tại nhiều địa phương như Nam Định, Thái Bình, Bến Tre, Tiền Giang… đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn chưa được tìm ra và đây vẫn là vấn đề nan giải.
Đoàn Quân
“Nghề nuôi cá hô”
Cá hô là loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao, đang rất được quan tâm. Ở nước ta, nuôi cá hô vẫn là một nghề mới. Cuốn sách “Nghề nuôi cá hô” do tác giả Phạm Văn Khánh biên soạn (nằm trong Chương trình 100 nghề cho nông dân), cung cấp cho người đọc về đặc điểm sinh học của cá hô, kỹ thuật sản xuất giống, kỹ thuật nuôi cá thịt trong ao đất, nuôi cá hô trong đăng quầng, nuôi ghép cá hô trong bè, hồ chứa… Qua 4 phần của cuốn sách sẽ giúp người nuôi có những kiến thức quan trọng để có thể bắt đầu nuôi loài cá quý hiếm đang được bảo tồn này.
Sách do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành.
Bạn đọc và người nuôi cũng có thể mua trực tuyến qua địa chỉ www.vinabook.com.
Tuấn Tú