Sá sùng (Sipunculus nudus) thuộc ngành giun đốt, còn có tên gọi khác là giun biển, địa sâm… phân bố nhiều ở các tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hòa… Đây là loài đặc sản biển có giá trị kinh tế, ngoài việc làm nguyên liệu để chế biến các món ăn ngon, sá sùng còn được sử dụng trong đông y như một vị thuốc có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực.
Chuẩn bị ao nuôi
Lựa chọn ao nuôi
Ao có diện tích khoảng 500 – 2.000 m2, ở vùng trung triều hoặc hạ triều dọc bờ biển, đáy cát bùn (70 – 80% cát, 20 – 30% bùn), hoặc cát pha vỏ động vật thân mềm và bùn (70 – 80% cát và vỏ động vật thân mềm, 20 – 30% bùn), đáy xốp, tránh các ao cát quá mịn, đáy cứng, đáy nhiễm phèn. Độ sâu tối thiểu 1,2 m. Ao nằm xa các nguồn nước ngọt, các nguồn gây ô nhiễm như nước thải công nghiệp, nông nghiệp, nước thải dân sinh; tránh những nơi có sóng to…
Cải tạo ao
Tháo/bơm cạn ao, phơi khô, dọn sạch các chất bẩn, rong đáy. Cày xới đáy ao tạo độ tơi xốp cho đất, tiếp tục phơi đáy. Sau khoảng 2 ngày, bón phân hữu cơ (100 kg/1.000 m2 ao) để cung cấp mùn bã hữu cơ và cung cấp dinh dưỡng cho các loài vi tảo phát triển làm thức ăn cho sá sùng. Có thể bón 50 kg vôi bột/1.000 m2 đáy ao để sát trùng và phân giải các khí độc trong đáy, tăng pH cho ao. Cấp nước qua lưới lọc để loại bớt các sinh vật gây hại. Mức nước cấp vào ao khoảng 50 – 80 cm nhằm thúc đẩy vi tảo phát triển nhanh làm thức ăn cho sá sùng, ổn định môi trường ao trước khi thả giống và hạn chế sự phát triển của rong đáy.
Con giống
Hình 1: Con giống sá sùng
Lựa chọn giống: Chiều dài tối thiểu 1,5 cm, đồng đều về kích thước, hồng nhạt, không bị trầy xước, khỏe mạnh, vận động liên tục khi thả vào trong chậu nước biển sạch.
Vận chuyển giống: Sá sùng giống sau khi thu hoạch được giữ trong các thùng xốp có lót lớp cát bùn ẩm dày khoảng 10 – 15 cm, hoặc trong các khay nhựa có lót một lớp cát bùn ẩm, sau đó đặt các khay vào thùng xốp, cũng có thể giữ ẩm cho sá sùng bằng cát bùn ẩm và để trong rổ có lót lớp lưới mềm (Hình 1). Chú ý, đảm bảo có độ thoáng giữa các khay để sá sùng có đủ ôxy trong quá trình vận chuyển. Nên sử dụng xe tải có kích thước phù hợp để vận chuyển thùng xốp từ trại sản xuất đến các ao nuôi thương phẩm.
Thả giống
Hình 2: Thả giống sá sùng
Thời điểm thả giống thích hợp nhất trong năm là tháng 4, thả muộn có thể gặp mưa lũ giai đoạn cuối, dễ bị thiệt hại. Mật độ thả giống từ 50 – 70 con/m2. Nên thả giống vào lúc trời mát (6 – 8h sáng hoặc 17 – 18h), không thả giống lúc trời mưa (Hình 2). Nếu giữ sá sùng trong thùng xốp hoặc khay, thì nghiêng thùng xốp/khay để đổ cả sá sùng và cát bùn ra ao hoặc có thể dùng tay cho cả cát bùn và sá sùng vào ao. Có thể đổ sá sùng từ khay hoặc thùng xốp ra rổ nhựa có lót lưới mềm, sau đó dùng tay thả sá sùng giống xuống nước. Sá sùng là đối tượng ít di chuyển, do đó khi thả giống cần phân bố giống đều trong ao, tránh phân bố tập trung một chỗ vì có thể làm ảnh hưởng đến quá trình bắt mồi và sinh trưởng của sá sùng.
Quản lý và chăm sóc
Thức ăn và cách cho ăn: Cho ăn 2 – 3 ngày/lần vào buổi sáng, mỗi lần cho ăn khoảng 5% khối lượng sá sùng trong ao. Thức ăn cho sá sùng nuôi thương phẩm là cá tạp trộn với cám gạo, bột ngô, bột đậu nành (mỗi loại khoảng 25% tính theo khối lượng) đem hấp chín, lượng thức ăn chưa sử dụng được bảo quản bằng tủ lạnh. Định kỳ 1 tháng/lần, bón phân hữu cơ (30 kg/1.000 m2) để cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho sá sùng và kích thích sự phát triển của các loài vi tảo là các loại thức ăn rất tốt cho sá sùng, đồng thời, vi tảo biển góp phần làm ổn định môi trường ao nuôi.
Quản lý ao nuôi: Bờ ao được kiểm tra thường xuyên, bắt cua/còng, lấp hang để đảm bảo ao được an toàn, vệ sinh bờ ao để góp phần làm môi trường ao nuôi được trong sạch. Dùng lưới bắt các loài cá dữ như cá chẽm, cá trác, cá măng… Định kỳ 2 lần/tháng, thay 50% nước để duy trì môi trường sống thuận lợi cho sá sùng; chọn ngày trời nắng, triều cường để thay nước, nhằm đảm bảo chất lượng nước tốt. Vào những ngày mưa hoặc mù trời thì không kiểm tra sá sùng. Nếu mưa trong thời gian dài, phải thay mới nước ao để duy trì độ mặn thích hợp. Các yếu tố môi trường trong ao nuôi phải được đảm bảo theo Bảng 1.
Hàng ngày quan sát đáy ao, vớt bỏ rong đáy, vì rong đáy phát triển nhiều sẽ làm sá sùng thiếu ôxy vào ban đêm, hơn nữa sá sùng có thể bị kẹt trong một số loài rong đáy như rong mền dẫn tới chết. Những nguyên nhân này có thể làm sá sùng sinh trưởng chậm, tỷ lệ sống thấp.
Quản lý dịch bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp như tháo cạn nước ao nuôi, cày xới đáy; bón vôi và phơi đáy ao. Lấy nước vào ao và gây màu nước. Cung cấp đầy đủ thức ăn cả về chất lượng và số lượng, định kỳ kiểm tra, thay nước. Duy trì mực nước trong ao nuôi từ 70 – 90 cm.
Thu hoạch
Sau 4 – 6 tháng nuôi, sá sùng có thể đạt kích thước thương phẩm (dài 10 – 12 cm, 7 – 11 g/con). Nên thu hoạch vào buổi sáng sớm để tránh làm ảnh hưởng đến sá sùng. Tháo cạn nước, dùng xẻng xắn sâu (25 – 35 cm) gần hang sá sùng, lật lên, dùng tay để thu sá sùng. Tránh làm xây xát hoặc đứt thân sá sùng. Cần loại bỏ hết những con chết và bị thương ra ngoài để tránh gây ảnh hưởng đến những con khỏe mạnh. Sá sùng được giữ trong các thùng xốp, do chúng không có nhu cầu cao về ôxy nên chỉ cần duy trì độ ẩm và thoáng cho thùng xốp là đủ.
TS Võ Thế Dũng – Viện Nghiên cứu NTTS III