Kỹ thuật nuôi tôm 3 giai đoạn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Nuôi tôm 3 giai đoạn là như thế nào? Những lưu ý cần thiết cho từng giai đoạn?

(Trần Thị Thủy, xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh)

Trả lời:

Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn đã xuất hiện khá lâu trên thế giới, tuy nhiên mô hình này chỉ thực sự phổ biến tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Nuôi tôm 3 giai đoạn, nói một cách dễ hiểu thì đây là một phương pháp nuôi tiên tiến với quy trình và hệ thống nuôi được xây dựng dựa theo 3 giai đoạn trong quá trình phát triển của tôm. Quy trình nuôi của mô hình này cũng được chia thành 3 giai đoạn tương ứng: Giai đoạn ương, giai đoạn 2 và giai đoạn 3. Điểm quan trọng trong mô hình này là việc sử dụng các ao nuôi khác nhau cho từng giai đoạn, đảm bảo rằng tôm được cung cấp môi trường tối ưu để phát triển.

Giai đoạn 1: Tôm được ương gièo trong ao có diện tích khoảng 150 – 200 m², hình tròn hoặc vuông, có mái che, được lót bạt HDPE toàn bộ. Hệ thống sục khí được bố trí dàn đều quanh ao (2 m²/vỉ khí). Đây là giai đoạn giúp hạn chế được biến động của môi trường do thời tiết, tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý sức khỏe của con tôm, giảm tỷ lệ hao hụt và tăng tỷ lệ sống. Ao ương gièo có diện tích nhỏ giúp giảm chi phí nuôi (điện, nước, thức ăn kiểm soát tốt…). Giai đoạn này tôm có thể đạt kích thước từ 1 – 2 g/con. Khi sang qua giai đoạn 2, có thể kiểm tra tỷ lệ sống của tôm nhằm tính toán lượng thức ăn hợp lý cho giai đoạn 2.

Giai đoạn 2: Tôm sau khi ương gièo ở giai đoạn 1 sẽ chuyển qua các ao ở giai đoạn 2 có diện tích từ 600 – 1.000 m² bằng đường ống sang tôm. Ao có hình tròn hoặc hình vuông, lót bạt HDPE toàn bộ và có mái che bằng lưới lan, độ ngập nước trong ao từ 1,2 – 1,5 m. Hệ thống sục khí được rải đều quanh ao (3 m²/vỉ khí), không rải ở khu vực rốn. Hệ thống quạt ở ao từ 2 – 4 dàn tùy độ gom chất thải của ao và hiệu suất cung cấp ôxy ở mỗi dàn quạt. Sau khi ương gièo, tôm vẫn còn nhỏ nhưng cần được môi trường lớn hơn, môi trường nước sạch hơn, cùng với đó là có nguồn thức ăn đầy đủ hơn giúp tôm nhanh phát triển.

Giai đoạn 3: Ở giai đoạn này, tôm đã phát triển lớn, cần không gian lớn hơn. Diện tích ao nuôi từ 1.000 – 2.000 m². Ao được lót bạt HDPE và có lưới lan che nắng. Hệ thống sục khí và bố trí quạt cũng như ở ao giai đoạn 2 (có thể giảm mật độ vỉ khí xuống 5 m²/vỉ khí nhằm tiết kiệm chi phí). Mật độ nuôi ở giai đoạn này có thể áp dụng từ 150 – 250 con/m².

Ở từng giai đoạn, người nuôi cần lựa chọn thức ăn thích hợp. Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, thức ăn dư thừa hay thiếu, sức khỏe tôm để có điều chỉnh kịp thời.

Hỏi: Xin cho biết ưu và nhược điểm của quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn?

(Phan Đoàn, xã Hưng Hợi, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu)

Trả lời:

Ưu điểm: – Dễ quản lý, hạn chế ô nhiễm môi trường (do thực hiện sang ao qua từng giai đoạn), từ đó giảm thiểu dịch bệnh cho tôm.

– Giúp theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của tôm.

– Không sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm, chủ yếu sử dụng các chế phẩm vi sinh, bảo vệ sức khỏe cho người nuôi và người tiêu dùng.

– Giảm được rủi ro về tác động của môi trường: thời tiết, dịch bệnh, biến đổi khí hậu (nắng nóng kéo dài),…

– Chi phí thức ăn, chế phẩm vi sinh, khoáng và hóa chất xử lý nước giảm 1/3 – 1/2 so với cách nuôi truyền thống, năng suất và chất lượng tôm thương phẩm cao.

Nhược điểm: – Yêu cầu diện tích nuôi lớn.

– Nguy cơ tôm bị sốc nhiệt khi chuyển giai đoạn.

– Chi phí đầu tư ban đầu khá cao và chỉ phù hợp với các vùng nước cấp dồi dào.

Mỗi giai đoạn nuôi cũng có những yêu cầu kỹ thuật và chế phẩm sinh học riêng. Do đó, người nuôi cần nhắc các yếu tố về điều kiện địa lý, kinh tế và kỹ thuật để có thể ứng dụng mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn một cách thành công nhất.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!