(Thủy sản Việt Nam) – Hiện nay, tôm càng xanh được nuôi theo các hình thức chủ yếu như bán thâm canh, thâm canh và nuôi trong ruộng lúa. Các hình thức này đều phát huy hiệu quả và mang lại lợi nhuận lớn cho người nuôi.
Vị trí chất đất, xây dựng ao
Ao được xây dựng ở vị trí bằng phẳng, chất đáy là đất sét hay đất sét pha cát là tốt nhất, pH đất >4, tránh vùng đất chua phèn.
Ao nuôi tôm có hình chữ nhật hoặc hình vuông, diện tích từ 3.000-5.000m2. Độ sâu ao nuôi 2m, mực nước cao 1,5m. Đáy ao dốc về phía cống thoát, mỗi ao có cống cấp, cống thoát và cống thay nước đáy.
Chuẩn bị ao nuôi
Đối với ao cũ: Loại bỏ lớp bùn (giữ lại 15cm). Đối với cả ao cũ và ao mới bón vôi CaCO3 với lượng từ 3.000-5.000 kg/ha (pH đất trung bình từ 4,5-6.0).
Bón phân hữu cơ đã ủ hoai mục (3-4 tấn/ha), sau 2-3 ngày cấp nước vào ao, nước được lọc qua túi lọc nhằm ngăn chặn giáp xác, cá. Nếu có nhiều cá tạp, cá dữ có thể diệt tạp bằng Saponin hoặc rễ cây thuốc cá với lượng 1 kg rễ tươi/200m3. Sau 7-10 ngày thức ăn tự nhiên phát triển, nước đạt các chỉ số tiêu chuẩn thì có thể tiến hành thả tôm.
Mật độ thả giống
Đối với nuôi thâm canh, thả với mật độ 15-20 con/m2, thả tôm bột 10 ngày tuổi.
Hình thức nuôi bán thâm canh, thả mật độ 10-12 con/m2, nuôi trong ruộng lúa thả với mật độ 4-5 con/m2.
Cho ăn và chăm sóc
Sử dụng thức ăn công nghiệp có bán trên thị trường (hàm lượng protein từ 20-30% là tốt nhất).
Hoặc có thể cho ăn bằng thức ăn tự chế biến như bột cá, bột cám gạo… nấu chín làm thức ăn cho tôm. Cho tôm ăn từ 2-4 bữa/ngày, thức ăn được rải đều khắp ao.
Dùng vó (sàng) để kiểm tra lượng thức ăn thừa, thiếu để điều chỉnh cho phù hợp.
Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, thay nước 3-4 lần/tháng, mỗi lần từ 10-30% lượng nước. Định kỳ dùng chế phẩm sinh học giúp loại bỏ khí độc, ổn định môi trường. Bổ sung men vi sinh và chất dinh dưỡng giúp tôm phát triển và kháng bệnh tốt hơn.
Thường xuyên kiểm tra độ kiềm và bổ sung vôi CaCO3, vôi đen giúp ổn định độ kiềm làm cho tôm lột nhanh cứng vỏ, tránh hiện tượng bị con chưa lột ăn thịt gây hao hụt tôm.
Kiểm tra, phát hiện, điều trị kịp thời các bệnh cho tôm.
>> Hiện nay, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã áp dụng phương pháp nuôi tôm càng xanh bằng chế phẩm sinh học cho lãi hàng trăm triệu đồng/ha.
Đoàn Quân
“Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ếch”
Sách do NXB Nông nghiệp ấn hành, nhà khoa học Nguyễn Lân Hùng chủ biên, phối hợp cùng với Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia và một số nhà khoa học. Đặc biệt, sách cung cấp cho người nuôi phương pháp nuôi ếch bằng lồng của Thái Lan, một phương pháp mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Người đọc cũng có thể tìm hiểu những thông tin thú vị về đặc điểm sinh học, sinh sản và nhiều đặc tính khác của loài lưỡng cư có giá trị kinh tế này.
Tuấn Tú