Kỹ thuật sản xuất cá rô phi đơn tính

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sản xuất cá rô phi giống đơn tính là giải pháp tốt nhất để nâng cao năng suất và hiệu quả nuôi cá rô phi thương phẩm.

Chuẩn bị ao nuôi vỗ cá bố mẹ

Điều kiện ao nuôi vỗ: Ao có thể là hình chữ nhật hoặc hình vuông,diện tích ao nuôi vỗ phù hợp từ 500 – 1.000 m2, độ sâu ao 1,5 – 1,7 m. Đáy ao phẳng đều, hơi dốc về phía cống thoát nước, phải có lưới chắn ở cống cấp  nước để tránh cá tạp vào ao.

Chuẩn bị ao: Xả cạn nước, phơi khô, cho bón vôi với liều lượng từ 10 – 20 kg/100 m2. Khi cấp nước vào ao, nhất thiết phải có lưới chắn để lọc không cho cá tạp, địch hại theo nước vào ao. Sau khi lấy nước vào ao cho diệt khuẩn với Iodine với liều lượng 1 ppm để diệt một số mầm bệnh trong ao.

Nuôi vỗ cá bố mẹ

Cá bố mẹ khi được chọn để nuôi thành thục và sinh sản phải đảm bảo các yêu cầu: Cá đực và cá cái có thân hình cân đối, khỏe mạnh, không xây xát, trọng lượng trung bình khoảng 600 g, thành thục sinh dục và có khả năng tham gia sinh sản. Mật độ nuôi vỗ cá bố mẹ: 2 con/m2.  

Thức ăn chủ yếu để nuôi vỗ cá bố mẹ là thức ăn công nghiệp (hàm lượng protein 30 – 35%), dầu mực, khoáng, Vitamin C, trứng. Khẩu phần ăn hàng ngày: 3 – 5% trọng lượng cá. Cho ăn 2 lần/ngày, sáng và chiều. Thời gian nuôi vỗ cá đực, cái riêng biệt là 45 – 60 ngày. Định kỳ 10 ngày/lần cho xử lý môi trường nuôi bằng men vi sinh.

Cho cá đẻ và thu cá bột

Ao cho cá đẻ cần chuẩn bị tương tự ao nuôi vỗ cá bố mẹ. Sau khi chuẩn bị ao xong, tiến hành chuyển cá cái vào ao, sau 5 ngày cá cái ổn định sức khỏe mới chuyển cá đực ghép vào. Tỷ lệ ghép giữa cá cái và cá đực là 2:1 hoặc 3:1. Thay nước mới để kích thích cá thành thục và sinh sản. Mật độ thả: 2 – 3 con/m2 ao.

Lượng thức ăn tuần đầu tiên mới thả ghép 5% trọng lượng cá, tuần sau trở đi cho ăn 2 – 3% trọng lượng cá.

Trứng cá rô phi phân chia thành 4 giai đoạn. Bằng mắt thường cũng có thể nhận biết các giai đoạn phát triển của phôi. Giai đoạn 1 trứng vừa mới đẻ có hình quả lê màu vàng nhạt; giai đoạn 2 trứng đã chuyển sang màu vàng sẫm; giai đoạn 3 trứng có màu đen sẫm, có hai điểm mắt màu đen; giai đoạn 4 cá bột vừa mới nở, bơi vòng tròn, dưới bụng còn khối noãn hoàn. Chu kỳ thu trứng phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ nước, thông thường nhiệt độ nước từ 27 – 300C thì 16 – 20 ngày thu trứng 1 lần. Phương pháp thu: 2 người dùng 1 sào tre dài luồn dưới đáy gièo, dồn cá vào một góc sau đó dùng vợt có kích thước mắt lưới 5 mm bắt chọn những con cái kiểm tra miệng cá có trứng hay không. Nếu cá cái có trứng dùng 2 ngón tay móc nhẹ vào môi hàm trên và hàm dưới của miệng cá, cho cá hở miệng rồi lắc nhẹ rũ trứng rơi vào tô nhựa.

Phương pháp ấp trứng: Trứng thu được chứa trong tô theo từng giai đoạn, sau đó một người sẽ vận chuyển trứng về hệ thống bể ấp tuần hoàn và ấp riêng theo giai đoạn phát triển của chúng. Trứng giai đoạn 1 đến giai đoạn 2 được ấp trong bình vây hoặc phễu, trứng giai đoạn 3 đến giai đoạn 4 được ấp trong khay. Sử dụng 20 – 30 g muối/lít rửa trứng trong thời gian từ 5 – 10 phút trước khi cho vào ấp. Trong suốt quá trình ấp có thể sử dụng 4 – 6 g muối/lít để phòng nấm, nhiễm khuẩn trong hệ thống tuần hoàn. Trong điều kiện nhiệt độ ổn định 28 – 300C, trứng ấp 4 – 6 ngày sẽ nở hết. Cá bột tiêu hết noãn hoàng được cân mẫu định lượng và chuyển ra gièo ương. Giai đoạn này cá có trọng lượng trung bình 0,01 g.

Kỹ thuật ương và xử lý hormone

Cá bột sau khi thu hoạch được cho vào bể ương 7 – 10 ngày (có sục khí 24/24h), sau đó cho ra ao ương trong giai 11 – 14 ngày. Giai ương cá bột có kích thước mắt lưới 5 mm, diện tích giai 6 – 10 m2. Trong suốt 21 ngày ương với thức ăn có chứa hormone chuyển giới tính 17α-methyltestosteron;  Vitamim C; Khoáng; Men đường ruột sau đó tiếp tục ương với thức ăn bình thường cho đến cá giống. Mật độ ương cá xử lý: 10.000 con/m2. Khẩu phần ăn tính cho 1 vạn cá thả ương: 5 ngày đầu cho ăn 25%; 5 ngày tiếp cho ăn 50%; 5 ngày kế tiếp cho ăn 85%; 6 ngày cuối cùng cho ăn 120%.

Thức ăn sử dụng cho cá là thức ăn công nghiệp hiện đang có trên thị trường hoặc tự chế biến với hàm lượng đạm khoảng 30 – 40%. Thức ăn được chia làm 4 lần/ngày, khoảng thời gian giữa 2 lần cho ăn cách nhau 4 giờ. Hàng ngày theo dõi hoạt động của cá, kiểm tra giai lưới để có kế hoạch vệ sinh, thay nước mới. Sau 21 ngày ương, cá có tỷ lệ đực đạt >95%, cá giống có trọng lượng trung bình 0,1 g/con có thể cho ra ao ương lên cá giống hoặc nuôi thương phẩm.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!