Kỹ thuật sản xuất giống tôm thẻ chân trắng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thực hiện tốt quy trình sản xuất giống là yếu tố quan trọng để tạo con giống chất lượng cao.

Chuẩn bị

Vệ sinh hệ thống bể lọc, bể chứa cần phải ngâm tẩy rửa hệ thống bể lọc, ngâm và rửa cát, đá, ráp tầng lọc và thực hiện khử trùng tầng lọc.

– Bể nuôi được lau rửa bằng xà phòng sạch sẽ, lắp hệ thống sục khí cho từng bể, sau đó dùng formol (2 lít/bể) pha với 5 lít nước ngọt tạt mặt trong của bể rồi đậy bạt lại.

– Tất cả các dụng cụ như lưới, vợt, thau, chậu phục vụ cho sản xuất đều phải ngâm Chlorine hoặc formol 100 ppm, rửa sạch bằng nước ngọt và phơi khô trước khi đưa vào sử dụng cho đợt sản xuất mới.

– Vệ sinh trong và ngoài trại cho sạch sẽ nhằm tránh lây lan mầm bệnh. Trong quá trình sản xuất thì vệ sinh ít nhất ngày 1 lần. Dùng Chlorine tạt vào các hố ga, các góc ẩm thấp do nước tồn đọng.

– Nước được bơm từ ngoài biển đảm bảo chỉ số của nguồn nước biển thích hợp như sau: độ mặn 28 – 32‰; nhiệt độ 27 – 30oC; pH 7,5 – 8,5; DO > 4 mg/l; NH3 < 0,1 ppm; NO2 < 0,02 ppm.

Nước được xử lý bằng thuốc tím (KMnO4 0,5 – 1 ppm) nhằm lắng bớt chất hữu cơ và kim loại nặng, sục khí liên tục đến khi mất màu thuốc tím, nước lúc này đã trong hơn. Tiếp tục xử lý bằng Chlorine với liều lượng 30 ppm. Sục khí mạnh, liên tục đến khi bay hết Chlorine (trung hòa Chlorine nếu còn dư bằng Thiosulfat). Kiểm tra dư lượng Chlorine bằng test Clo. Tắt sục khí, sau 12h có thể bơm nước lên bể lọc thô. Nước qua bể lọc thô sẽ qua bình lọc tinh vào bể chứa, nước thu được sẽ được bơm vào bể ương.

Nuôi vỗ tôm bố mẹ

Tôm bố mẹ được nhập về đã được kiểm tra kiểm dịch kỹ lưỡng không mang các bệnh nguy hiểm và đạt tiêu chuẩn. Trước khi nhập tôm bố mẹ về trại một ngày, bể nuôi vỗ được vệ sinh bằng xà phòng sạch sẽ và cấp nước đã qua xử lý. Trước khi thả tôm vào bể tiến hành cân bằng nhiệt độ để tránh làm tôm bị sốc.

Thức ăn: – Giai đoạn nuôi vỗ thành thục cho ăn với khẩu phần thức ăn được chia như sau: Giun nhiều tơ: 12%; mực 10% và hàu 10% khối lượng thân.

– Giai đoạn nuôi vỗ tái thành thục cho ăn với khẩu phần thức ăn được chia như sau: Giun nhiều tơ: 15%; mực 12%; hàu 12% khối lượng thân.

Các loại thức ăn tươi được bảo quản trong tủ cấp đông.

Định kỳ xiphong 1 lần/ngày vào lúc 7 giờ sáng, trước lúc cho tôm ăn. Kết hợp xi phông với thay nước, thay nước 2 lần một ngày, mỗi lần 30 – 50 % lượng nước trong bể.

Hàng ngày lau thành bể bằng nước ngọt và formalin, làm vệ sinh đáy vào buổi sáng.

Cho đẻ

Tôm mẹ sau khi nuôi thuần hóa được trên 15 ngày tùy thuộc vào sức khỏe của tôm là có thể cắt mắt. Kết quả quá trình cắt mắt là thúc đẩy nhanh sự chín muồi tuyến sinh dục, tăng số lượng trứng.

 Chọn tôm mẹ thành thục: Tuyển chọn những con có buồng trứng ở giai đoạn IV. Buồng trứng to không bị đứt quãng và kéo dài đến tận cuối đuôi. Tôm khỏe mạnh: màu sắc sáng tự nhiên, không ửng đỏ, mang tôm trắng và sạch, tôm không lật nghiêng, đứng vững chãi, các đôi chân ngực choãi ra, các đôi phần phụ, đặc biệt là các đôi chân bò phải còn nguyên vẹn, đốt bụng thứ 3 không bị tổn thương, thelycum không bị thâm đen, không bị rách.

Sau khi tuyển chọn xong, tiến hành thả tôm cái vào bể tôm đực để cho giao vĩ. Thông thường tôm được bắt để cho giao vĩ vào khoảng 15 giờ chiều. Sau khi thả tôm đực và cái vào chung 1 bể thì tắt đèn và giữ yên tĩnh cho tôm giao vĩ. Đến tối, tiến hành tuyển chọn tôm cho sinh sản.Tuyển chọn tôm cái đã giao vĩ (có túi tinh gắn vào thelycum). Tuy nhiên, cần kiểm tra túi tinh có được gắn chính xác vào thelycum hay không. Nếu không đúng vị trí, cần gỡ bỏ và thả lại bể cho tôm giao vĩ lần sau. Khoảng 2 tiếng sau sẽ kiểm tra lại. Nếu có túi tinh, chuyển sang bể đẻ. Cứ cách 2 tiếng kiểm tra 1 lần (18 giờ, 20 giờ, 22 giờ). Những tôm cái có túi tinh được chuyển sang bể cho sinh sản.

Chuẩn bị bể cho tôm sinh sản: Nước chuẩn bị từ trước được cấp vào bể qua túi siêu lọc. Dùng EDTA 10 ppm để xử lý, sục khí nhẹ trong bể đẻ 24/24 giờ.

Cho tôm sinh sản: Sau khi tuyển chọn tôm cái đạt yêu cầu thì thả vào bể sinh sản với mật độ khoảng 1 – 2 con/m2. Trước khi thả, cần kiểm tra tôm còn túi tinh hay không. Nếu không thả trở lại bể tôm giao vỹ lần sau sẽ bắt tiếp. Sau khi đẻ trứng được ấp ngay trong bể đẻ và được sục khí liên tục 24/24 giờ. Trong thời gian ấp, cách 1 giờ phải đảo trứng 1 lần để tránh hiện tượng trứng bị lắng đáy. Sau khi tôm sinh sản xong khoảng 13 – 14 giờ, trứng bắt đầu nở. Sau khi trứng nở hoàn toàn, tiến hành thu Nauplius.

Kỹ thuật thu Nauplius

Chiếu sáng trong phạm vi giữa bể, kết hợp với tắt sục khí. Sau 15 – 30, phút ấu trùng Nauplius sẽ tập trung gần nguồn sáng. Khi đó, ta dùng vợt hớt nhẹ nhàng Nauplius chuyển sang 1 xô lớn 120 lít có sục khí. Thu cho đến khi hết Nauplius tập trung gần nguồn sáng thì dừng lại. Sau đó, định lượng và chuyển sang bể ương nuôi.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!