Bống bớp là loài cá bản địa, ăn tạp, giá trị kinh tế cao nên đang thu hút nhiều người nuôi. Do nhu cầu giống lớn nên nguồn giống tự nhiên đang cạn kiệt, việc chủ động sản xuất con giống cung cấp cho người nuôi là cần thiết.
Nhu cầu cá bống bớp giống cho người nuôi là rất lớn – Ảnh: Huy Hùng
Các bước chuẩn bị
Nguồn nước cung cấp là nước biển lấy vào bể lắng, sau đó được xử lý KMnO4 trong 24 giờ, rồi dùng Chlorine (15 – 25 ppm) trong 24 giờ có sục khí mạnh. Tiếp đó, lược bỏ kim loại nặng bằng EDTA với nồng độ 10 – 15 ppm.
Nước ngọt được bơm lên từ giếng khoan xử lý qua bể lọc xuống bể chứa, sau khi kiểm tra nếu đã đạt tiêu chuẩn được bơm tiếp lên bể lọc. Nước từ bể lọc có các đường dẫn tới các bể cần sử dụng. Nước mặn phải có độ mặn 19 – 22‰, pH 7,5 – 8,5, ôxy hòa tan > 5mg/l. Các chỉ số nước ngọt, độ trong cao, không màu, không mùi, không vị, pH 6,5 – 7,5. Trước khi sử dụng nước đã qua xử lý phải kiểm tra lại dư lượng các chất đã dùng (Chlorine, KMnO4), tránh dư lượng ảnh hưởng đến phát triển ấu trùng cá. Đây là một trong những bước quan trọng nhất để chuẩn bị cho toàn quá trình ương nuôi sau này.
Sử dụng bể xi măng để nuôi cá đẻ, có thể tích 6 m3 kích thước (3x2x1) m, hoặc bể composite đường kính 2 m được đặt trong nhà xưởng có mái che; hạn chế ảnh hưởng của thời tiết bên ngoài, lắp đặt hệ thống sục khí và các loại giai lưới và lưới lót để trứng bám thuận tiện cho việc tách cá bố mẹ và ấp trứng.
Chọn cá bố mẹ
Cá bố mẹ sau quá trình nuôi vỗ, chọn cá từ tháng thứ 4 trở đi. Chọn những con cá bố mẹ khoẻ mạnh, bơi lội bình thường, không bị xây xát, không bị bệnh, kích cỡ 70 g/con trở lên. Cá cái có bụng to mềm, có thể quan sát rõ buồng trứng nằm ở hai bên lườn bụng; lỗ hậu môn có màu phớt hồng. Cá đực kích thước nhỏ hơn, lỗ hậu môn màu hồng thẫm, tỷ lệ đực cái 1/1.
Kiểm tra cá, cá cái có trứng hình cầu kích thước đều nhau, không vón cục và có màu vàng nhạt, đường kính 0,5 – 0,6 mm. Cá đực, khi mổ cá thấy hai dải sẹ lớn màu trắng đục nằm dọc hai bên thân, kiểm tra sẹ đặc và tan nhanh vào nước là đạt yêu cầu.
Sơ đồ sinh sản cá bống bớp
Thuốc tiêm cá
Sau khi chọn xong cá bố mẹ, dùng nước ngọt tắm cho cá 30 – 40 phút để diệt nấm, vi sinh vật ký sinh trên cá. Sau đó chuyển cá vào bể giống và sục khí. Cần nhốt cá đực và cá cái riêng biệt, thả các đoạn ống nhựa cho cá chui vào ẩn náu, tránh tiếng động mạnh gây sốc cho cá.
Chuẩn bị đủ dụng cụ (kim tiêm, cối nghiền thuốc, xô, chậu, vợt) và nhiệt độ đạt 26 – 280C, tiến hành bắt cá cái lên tiêm thuốc kích dục tố. Kích dục tố được sử dụng cho tiêm cá là HCG, liều lượng 800 UI/kg cá cái (Unit International) hoặc dùng LRH-A + DOM liều lượng 50 µg + 10 mg/kg cá cái. Thuốc được pha với nước muối sinh lý (0,9%) hoặc nước cất để tiêm cho cá.
Cách tiêm cá
Trước khi tiêm, rửa qua cá bố mẹ bằng nước ngọt để bỏ bớt nhớt dễ dàng hơn khi tiêm. Tiến hành tiêm ở gốc vây ngực, đặt kim tiêm sao cho lệch một góc với thân 450, đâm sâu vào 1 – 1,5 cm tùy theo kích thước cá. Khi tiêm, cần một người giữ cá và một người tiêm, người tiêm cần thao tác nhanh, chính xác, nhẹ nhàng và chỉ tiêm khi cá nằm im, tránh cá quẫy mạnh làm kim đâm vào tim gây chết cá.
Cho cá đẻ, ấp trứng
Cá cái được tiêm 2 đợt. Đợt 1 (liều khởi động) chỉ tiêm cá cái, lượng thuốc bằng 1/3 tổng lượng thuốc tiêm cho cá cái cả 2 đợt. Sau 2 ngày, tiêm cá cái đợt 2 (liều quyết định) với lượng thuốc còn lại và tiêm cá đực với lượng thuốc bằng 1/2 thuốc tiêm cho cá cái. Khi tiêm xong thả cá đực và cái vào giai trong bể đẻ có lót giá thể. Che kín bể, vặn nước chảy nhẹ và sục khí. Ở nhiệt độ 27 – 300C sau 2 ngày cá sẽ động hớn, cặp đôi sinh sản và tự thụ tinh trong nước. Trứng cá ở dạng chìm, dính vào giá thể trong bể. Khi cá đã đẻ xong, chuyển cá bố mẹ ra ngoài, có thể sử dụng luôn bể đẻ làm bể ấp hoặc chuyển giá thể trứng sang bể khác để ấp. Duy trì lượng nước trong bể ngập trứng 10 – 15 cm, mở van cho nước chảy nhẹ và sục khí trong thời gian ấp trứng.
Sau 3 ngày trứng nở thành cá bột, cá mới nở có chiều dài khoảng 5 mm, tỷ lệ nở đạt 70% trở lên. Mỗi con cái có thể đẻ trên 1 vạn trứng và nở ra được 0,7 – 0,8 vạn con cá bột. Sau 3 ngày cá tiêu thụ hết noãn hoàng và hoạt động mạnh thì có thể dùng vợt san sang các bể khác hoặc ao đất để ương nuôi lên giống. Trong thời gian cho cá đẻ cần kiểm tra thường xuyên; nước trong bể nuôi chờ đẻ nếu thấy bị ô nhiễm thì nên thay; cọ rửa bể sạch sẽ.
>> Cũng có thể cho bống bớp sinh sản bằng cách tiêm kích dục tố khi cá cái động hớn chảy trứng. Mổ cá đực, lấy dịch hoàn xay nhỏ, trộn đều với trứng. Trứng được thụ tinh đem khử dính rồi ấp trong bình vây chứa nước biển (18‰), ở nhiệt độ 28 – 300C, trứng sẽ nở thành cá bột sau 60 giờ. |
ThS. Nguyễn Quang Chương
“Phương pháp bảo quản và chế biến thủy sản” Cuốn sách trình bày cách bảo quản tươi nguyên liệu thủy sản và cách chế biến, khô chín, ướp muối, giúp người sản xuất hiểu thêm kiến thức về bảo quản thực phẩm; đồng thời, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sản xuất đạt độ tin cậy, an toàn, có hiệu quả kinh tế cao. “Phương pháp bảo quản và chế biến thủy sản” được biên soạn bởi nhóm tác giả Chu Thị Thơm, Phan Thị Lài, Nguyễn Văn Tó, còn mang đến những thông tin chuyên sâu về chuyên môn trong lĩnh vực bảo quản thủy sản như: vi sinh vật, các yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo quản sản phẩm thủy sản, vệ sinh và các phương tiện sản xuất…; giúp người sản xuất nắm vững và hiểu rõ hơn tầm quan trọng cũng như kỹ thuật của kỹ thuật bảo quản và chế biến thủy sản. Sách do Nhà xuất bản Lao động phát hành. Tuấn Tú
|