(TSVN) – Sau khi nở, kích thước cá bột còn nhỏ, hoạt động yếu, khả năng hấp thụ thức ăn kém. Vì vậy, giai đoạn này không thể nuôi thả ngay trong diện tích lớn được mà phải ương với diện tích nhỏ để tạo môi trường sống tốt, giàu chất dinh dưỡng và không có các vật nuôi khác xâm hại.
Người nuôi tham khảo quy trình, kỹ thuật ương giống cá chép V1 hoàn chỉnh, chi tiết nhất giúp đạt hiệu quả cao, giống khỏe, mau lớn, sạch bệnh… Từ đó, nâng cao hiệu quả nuôi trồng, phát triển kinh tế hộ.
Diện tích ao ương giống cá chép V1 khoảng 500 – 1.000 m2, sâu từ 1 – 1,5 m, đáy phẳng hơi nghiêng về phía cống. Ao có vị trí thuận tiện giao thông, có nguồn nước cấp ổn định, không bị nhiễm các chất thải công nghiệp và thuốc trừ sâu, diệt cỏ; có thể tháo cạn khi cần thiết, bờ ao chắc chắn, không rò rỉ.
Ao ương cần được tháo cạn, dọn sạch cỏ trong ao và bờ ao. Rào lưới xung quanh ao để ngăn ngừa dịch hại của cá có thể đi vào ao ương. Bón vôi khắp ao, liều lượng từ 10 – 15 kg/100 m2 để tiêu diệt một số vi khuẩn gây bệnh cho cá và cải tạo nền đáy. Thực hiện phơi đáy ao từ 3 – 5 ngày.
Nước bơm vào ao ương cần phải được lọc thật kỹ qua lưới mịn, có thể để thêm trấu vào túi lưới để không cho cá tạp, cá dữ và các sinh vật khác vào ao ương ăn hại cá và cạnh tranh thức ăn của cá. Kiểm tra các thông số như: Nhiệt độ nước thích hợp từ 28 – 300C, pH từ 7,5 – 8,5, hàm lượng ôxy hòa tan lớn hơn 4 mg/l thì có thể thả nuôi.
Quy trình kỹ thuật ương giống cá chép V1. Ảnh ST
Chọn cá bột đã tiêu hết noãn hoàng, bơi lội hoạt bát, không dị hình. Cá bột cần được thả vào ao ương trong vòng 24 giờ sau khi lấy nước vào, để cho những địch hại của cá bột (giáp xác chân chèo, nòng nọc, bọ gạo, bắp cày…) chưa kịp phát triển. Sau đó, thức ăn dư thừa của cá bột (bột đậu, cám…) sẽ cung cấp thêm dinh dưỡng giúp tảo phát triển gây màu cho ao. Trường hợp sau khi lấy nước vào hơn 2 ngày vẫn chưa thả cá bột thì nên tháo cạn nước, cải tạo lại từ đầu.
Thả cá lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Mật độ ương khoảng 300 con/m2. Con giống khi vận chuyển về ao ương được làm cân bằng nhiệt độ trong bao đựng cá và ở ngoài môi trường ao bằng cách ngâm bao đựng cá vào ao khoảng 10 – 15 phút, sau đó mở bao cá cho nước ao vào bao, nghiêng miệng bao để cá trong bao từ từ trôi hết ra ngoài.
Trong quy trình kỹ thuật ương giống cá chép V1 này, hai ngày đầu không cần cho ăn, vì lúc này trong ao đã có sinh vật phù du làm thức ăn cho cá. 8 ngày tiếp theo sử dụng thức ăn tổng hợp ương cá giống có hàm lượng đạm từ 40 – 42%, thức ăn dạng mảnh được pha loãng với nước rải đều mặt ao. Từ ngày thứ 11 đến ngày thứ 30 có thể sử dụng thức ăn viên có kích thước 0,5 – 0,8 mm rải đều mặt ao. Mỗi ngày cho cá ăn hai lần vào sáng sớm và chiều mát. Lượng thức ăn mỗi ngày từ 0,5 – 1 kg/1 vạn cá/ngày. Từ ngày thứ 31, lượng thức ăn cho ăn từ 3 – 5% trọng lượng cá, kích thước hạt thức ăn 1,5 – 2 mm.
Trong quá trình ương, nên bổ sung thêm các loại men vi sinh và Vitamin C trộn vào thức ăn để kích thích tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng cho cá. Khi cho ăn, rải thức ăn xuống ao từ từ để toàn bộ số cá trong ao đều có thể ăn được và cá sử dụng hết.
Hàng ngày chú ý theo dõi hoạt động bơi lội, bắt mồi của cá. Thường xuyên kiểm tra bờ ao để phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng ao bị rò rỉ nước, bờ sụt lở.
Trong quá trình ương, hạn chế thay nước, tuy nhiên khi thấy nước ao bẩn hoặc có điều kiện nên thay 30% nước để kích thích hoạt động bắt mồi của cá. Trước khi cho ăn phải vệ sinh sàng ăn và kiểm tra lượng thức ăn còn lại để điều chỉnh thức ăn hợp lý, tránh tình trạng dư thừa làm thối nước hoặc thiếu thức ăn cá sẽ sát hại lẫn nhau.
Sau khi ương từ 45 – 60 ngày, cá đạt chiều dài 4 – 6 cm (khoảng 180 – 200 con/kg) thì tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch 1 tuần, hàng ngày phải luyện cá bằng cách giảm bớt lượng thức ăn (chỉ còn 1/2 – 1/3 so với bình thường). Dùng lưới kéo thu hoạch cho vào giai luyện cá trước 1 – 2 ngày trước khi xuất bán cho người nuôi cá thịt.
Trong quá trình thu hoạch các thao tác phải thật nhanh và nhẹ nhàng, tránh làm cá bị stress, nhằm hạn chế tỷ lệ hao hụt khi vận chuyển.