Kỹ thuật ương lươn giống hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Xin được tư vấn về kỹ thuật ương lươn giống sao cho hiệu quả?

(Tạ Văn Thy, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh)

Trả lời:

Ở nhiệt độ từ 26 – 320C trứng lươn được ấp khoảng 5 – 7 ngày thì trứng nở, thả vào bể ấp một số chùm tua nilon làm nơi trú ẩn cho lươn con khi nở. Sau 7 – 10 ngày tiêu hết noãn hoàng chuyển sang bể ương. Ương lươn giống với mật độ 3.000 con/m2, ương trong bể lót bạt, bể được thiết kế nghiêng về một phía và có đặt ống xả nước, mực nước 20 cm, có giá thể là chùm dây nilon, thức ăn cho lươn ăn trong giai đoạn này là trùn chỉ hoặc là trứng nước, ngày cho ăn hai lần sáng và chiều, thay nước sau mỗi lần cho lươn ăn. Sang tháng thứ 2, thứ 3 thì mật độ ương giảm dần và có thể tập cho lươn ăn cá tạp xay nhuyễn phối trộn với thức ăn công nghiêp theo tỷ lệ 30% thức ăn công nghiệp + 70% cá tạp hoặc tập cho lươn ăn hoàn toàn thức ăn công nghiệp.

Hỏi: Tại sao nhà tôi nuôi ếch rất hay bị bệnh sình bụng? Cách điều trị ra sao?

(Đỗ Văn Đốc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa)

Trả lời:

Bệnh này thường xảy ra ở giai đoạn ếch nhỏ do ếch không tiêu hóa được thức ăn, thức ăn kém chất lượng hay ếch ăn quá nhiều, nguồn nước nuôi dơ do ít thay nguồn nước. Triệu trứng của bệnh này là bụng ếch căng to, ếch ít di chuyển và vận động khó khăn. Một số ếch thấy hậu môn lòi ra, ruột sưng và có màu đỏ, trong ruột có dịch lỏng lẫn thức ăn. Để phòng bệnh này, người nuôi ếch cần phải vệ sinh, sát trùng kỹ môi trường nước nuôi ếch và thay nước thường xuyên để giữ môi trường luôn sạch; chọn những loại thức ăn chất lượng, hàm lượng protein cao, cho ếch ăn đủ no, chia làm nhiều lần trong ngày và định kỳ bổ sung các loại men tiêu hóa. Phải định kỳ dọn dẹp thức ăn dư thừa, vệ sinh và phơi khô sàng ăn sau khoảng 5 giờ cho ăn. Định kỳ trộn các men tiêu hóa vào thức ăn của ếch 2 – 3 g/kg thức ăn. Thay nước thường xuyên và giữ nước nuôi sạch. Khi phát hiện ếch bệnh cần ngưng cho ăn 1 – 2 ngày, vệ sinh, sát trùng thật sạch môi trường nước nuôi ếch với sunfat đồng (CuSO4) 0,5 – 0,7 g/m3, nước muối 3%. Sau đó, trộn hỗn hợp kháng sinh Sulfadimidin và Trimethoprim vào thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất (tùy hàm lượng kháng sinh) cho ếch liên tục trong 1 tuần.

 

Hỏi: Nên thả tu hài để nuôi vào thời điểm nào và bãi nuôi cần chuẩn bị những gì?

(Nguyễn Đức Tuyên, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)

Trả lời:

Tu hài sinh sản ngoài tự nhiên chia làm 2 đợt trong năm và cũng căn cứ vào mùa vụ sinh sản thì các trại sản xuất giống cũng tiến hành sản xuất giống. Đợt 1 từ tháng 12 đến tháng 5. Đợt 2 từ tháng 7 – tháng 9 (có thể sản xuất giống tu hài nhân tạo quanh năm). Căn cứ vào mùa sinh sản để mua giống về thả nuôi, nhưng do điều kiện tự nhiên vào tháng 7 và tháng 9 hàng năm vào mùa mưa do vậy không nên thả giống vào thời gian này để tránh rủi ro. Vị trí bãi nuôi yêu cầu phải đảm bảo các điều kiện sau: Kín sóng gió, nước chảy lưu thông, thường là các bãi cát ven các đảo, có môi trường ổn định quanh năm, chất đáy là cát mịn, thô pha mảnh vụn vỏ nhuyễn thể và xác san hô, nếu là bãi đã có tu hài tự nhiên phân bố thì đây là bãi có điều kiện tự nhiên phù hợp nhất. Diện tích nuôi cho một hộ gia đình có thể là một diện tích nhỏ từ 500 m2 đến 1 ha. Mặt bãi được san phẳng có độ nghiêng 1 – 20.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!