Kỳ vọng Đề án: Xây dựng lực lượng Kiểm ngư

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – An toàn vùng biển, đảo và đặc biệt là an toàn ngư dân đang là vấn đề được đặt ra cấp bách. Đề án Xây lực lượng Kiểm ngư mà Bộ NN&PTNT vừa trình Chính phủ đang được kỳ vọng trở thành giải pháp tháo gỡ mọi khó khăn cho ngành khai thác hải sản xa bờ của ngành thủy sản Việt Nam, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Vấn đề cấp thiết

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/6/2011, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Đề án "Xây dựng lực lượng kiểm ngư Việt Nam". Theo tờ trình, Kiểm ngư Việt Nam sẽ là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, có chức năng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên các vùng biển Việt Nam.

Đây là yêu cầu cấp thiết, bởi trong thời gian gần đây, tình hình vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển đang ngày một gia tăng. Tình trạng tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt trộm thủy sản diễn ra thường xuyên với hàng trăm lượt tàu thuyền mỗi ngày. Tình trạng ngư dân Việt Nam bị các nước khác bắt giữ cũng thường xuyên và gia tăng đột biến. Tính từ năm 2006 đến nay, cả nước có 641 vụ bắt giữ 1.186 lượt tàu cá Việt Nam, với trên 7.045 ngư dân. Đặc biệt trong những ngày qua, liên tục có ngư dân, tàu cá Việt Nam bị bắn, bị bắt, uy hiếp và xua đuổi trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

 

Có lực lượng kiểm ngư, ngư dân sẽ thêm yên tâm bám biển Ảnh: Phan Thanh Cường

Xây dựng lực lượng Kiểm ngư được đặt ra cấp bách. Bởi nhiều lý do, thứ nhất, thủy sản nước ta là một ngành kinh tế đa dạng, phát triển dựa vào nền tảng nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Do vậy, thường chịu nhiều rủi ro về nguồn lợi và môi trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và sự gia tăng các tác động xấu… Hơn nữa, trong bối cảnh bất ổn trên các vùng biển Việt Nam với hàng trăm lượt tàu thuyền mỗi ngày, Kiểm ngư ra đời sẽ giúp hạn chế tình trạng trên.

 

 

Vai trò “2 trong 1”

Trước đây, ở các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đều có các tàu tuần tra, kiểm soát bảo vệ trên biển, tuy nhiên những tàu này công suất nhỏ, chỉ hoạt động ven bờ, chịu được sóng gió cấp 4-5. Nhưng hiện nay, đội tàu này đã quá cũ, lại không được thiết kế để tuần tra, kiểm soát, lực lượng kiểm ngư không được đầu tư đúng mức về con người, quyền xử phạt… Hơn nữa, sau khi có Luật Thanh tra, đã sáp nhập thanh tra chuyên ngành bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào các chi cục, sở, nên có nhiều gián đoạn trong việc tuần tra, kiểm soát trên biển. Do vậy, vấn đề bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển và hỗ trợ cho ngư dân hoạt động trên biển cũng vì thế mà giảm đi.

Sự ra đời của lực lượng Kiểm ngư sẽ góp phần ổn định mức tăng trưởng kinh tế của ngành, đồng thời đảm bảo trật tự an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển trong tình hình mới. Ngoài ra, Kiểm ngư còn góp phần hỗ trợ ngư dân, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia, đặc biệt trong việc thực hiện chủ trương “dân sự hóa” ở các vùng biển nhạy cảm mà không thể có sự hiện diện của các lực lượng vũ trang. Đây là lực lượng kiểm tra, kiểm soát dân sự của Việt Nam có đầy đủ các thẩm quyền để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam.

 

 

Tăng cường sức mạnh trên vùng biển Việt Nam

Kiểm ngư được tổ chức gồm ở cấp Trung ương (Cục Kiểm ngư), đến các Kiểm ngư vùng đặt tại một số vùng trọng điểm như: Vùng 1 (Hải Phòng), Vùng 2 (Đà Nẵng), Vùng 3 (Khánh Hòa), Vùng 4 (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Vùng 5 (Kiên Giang), đến chi cục Kiểm ngư ở các địa phương gồm 28 tỉnh, thành ven biển tạo thành một hệ thống. Lực lượng Kiểm ngư cấp Trung ương phụ trách vùng biển xa, còn ven bờ là các lực lượng Kiểm ngư địa phương.

Kiểm ngư sẽ hỗ trợ việc quản lý nhà nước về biển, tăng cường kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển. Không chỉ kiểm soát các hoạt động của ngư dân Việt Nam như ngăn chặn việc dùng chất nổ, xung điện hay đánh bắt trong các khu bảo tồn trên biển… mà còn phát hiện, bắt giữ và xử phạt tàu cá nước ngoài xâm phạm vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Đồng thời, ứng cứu cho ngư dân Việt Nam khi gặp nguy hiểm (bị tàu nước ngoài cướp bóc, uy hiếp), và làm công tác cứu hộ, cứu nạn…

Sau khi được thành lập, lực lượng Kiểm ngư sẽ được sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ. Dự kiến, mỗi cơ quan kiểm ngư vùng sẽ có một tàu kiểm ngư công suất từ 3.000CV trở lên, được trang bị hiện đại, có thể hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 8, 9 và dài ngày trên biển. Trang bị đầy đủ các trang thiết bị vô tuyến MF/HF, định vị vệ tinh và liên lạc qua vệ tinh IMMARSAT, các trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, thiết bị kiểm tra chuyên dụng, quay phim, chụp ảnh bằng tia hồng ngoại… Trước mắt, Đề án sẽ ưu tiên một số hạng mục như xây dựng trung tâm đào tạo và phát triển lực lượng kiểm ngư, dự án đóng đội tàu kiểm ngư Trung ương và 18 tàu kiểm ngư công suất 1.000CV cho một số địa phương trọng điểm, tàu kiểm ngư công suất 600CV cho các chi cục địa phương…

 

>> Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ năm 2006 đến nay đã có 641 vụ với 1.186 tàu và 7.045 ngư dân của Việt Nam bị bắt giữ và xử phạt tại các nước, vùng lãnh thổ. Riêng năm 2009, có 161 vụ với 2.472 ngư dân Việt Nam bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử phạt. Trong đó có 29 vụ liên quan đến Trung Quốc, 45 vụ liên quan đến Malaysia, 2 vụ liên quan đến Philippines, 56 vụ liên quan đến Indonesia, và Campuchia có 29 vụ. Tỉnh có tàu cá bị bắt giữ và xử phạt nhiều nhất là Kiên Giang 58 tàu, Cà Mau 56 tàu; Bà Rịa – Vũng Tàu 46 tàu; Bình Định 43 tàu và Quảng Ngãi 47 tàu.

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!