T2, 06/07/2020 09:47

Kỳ vọng đột phá!

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Quy hoạch phát triển chế biến thủy sản toàn quốc đến năm 2020 nếu được thông qua sẽ làm thay đổi diện mạo công nghệ chế biến thủy sản của Việt Nam, góp phần quan trọng đảm bảo ngành thủy sản hoàn thành mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu 8-9 tỷ USD như trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chú trọng chế biến nội địa

Theo dự báo của các chuyên gia, trong thời gian tới, tiêu dùng thủy sản thế giới sẽ chậm lại, đến năm 2020, mức tăng bình quân đầu người hàng năm sẽ đạt khoảng 0,4% và tổng tiêu thụ tăng 1,5%/năm. Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu với mức tăng tương ứng 1,3% và 0,9% hàng năm, tiếp đến là Mỹ La tinh (0,4%) và Đông Nam Á (0,5%)… Và cũng theo dự báo, giai đoạn 2011-2020, xuất khẩu thủy sản (XKTS) của Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng chậm. Thị trường chính của thủy sản Việt Nam vẫn là Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc và giá trị kim ngạch XKTS tăng bình quân từ 5-6%/năm.

Kỳ vọng năm 2020, thủy sản Việt Nam có bước đột phá          Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Trong khi đó theo dự báo, tiêu thụ thủy sản tại thị trường nội địa sẽ tăng mạnh. Đến năm 2020, nếu Việt Nam hoàn thành cơ bản quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu nhập đầu người bình quân khoảng 2.000 USD, mức tiêu dùng thủy sản trên đầu người có sẽ tăng khoảng 40-45% so với năm 2007 (22kg).

 

Tăng cường sản phẩm mới

Trong thập kỷ tới, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam. Đến năm 2015, nhu cầu thủy sản nước này sẽ tăng thêm 2 triệu tấn. Các mặt hàng chính vẫn là tôm, cá hồi, cá rô phi và cá da trơn. EU sẽ có mức tăng trưởng cao, các đối tượng chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá nước ngọt, cá biển và nhuyễn thể đông lạnh. Nhật Bản vẫn là thị trường nhập khẩu tôm chủ lực, đặc biệt là tôm sú cỡ lớn. Trung Quốc, Nga, Trung Đông, Nam Mỹ… là các thị trường tiêu thụ thủy sản đầy tiềm năng vì dân số lớn, kinh tế phát triển nhanh và yêu cầu chất lượng sản phẩm ở mức trung bình.

Trong giai đoạn 2011-2020, tôm, cá tra và nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc) đông lạnh vẫn là nhóm sản phẩm quan trọng trong cơ cấu sản lượng các sản phẩm thủy sản XK của Việt Nam, chiếm 80%. Trong đó, tôm đông lạnh vẫn là sản phẩm chủ lực. Quy hoạch đến năm 2015, sản lượng tôm đông lạnh XK đạt 270.000 tấn, kim ngạch đạt 2,32 tỷ USD, chiếm 16,7% về sản lượng và 35,7% về giá trị. Đến năm 2020, sản lượng XK đạt 320.000 tấn, kim ngạch đạt 2,88 tỷ USD, chiếm 16,8% về lượng và 36% về giá trị.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, cá chẽm và cá rô phi có thể được bổ sung vào danh mục sản phẩm XK, tuy nhiên, sản lượng chưa đáng kể (xấp xỉ 2%). Đến năm 2015, sản lượng cá rô phi XK đạt 30.000 tấn, giá trị kim ngạch đạt 80 triệu USD, chiếm 1,9% về sản lượng và 1,2% về giá trị; sản lượng cá chẽm XK đạt khoảng 30.000 tấn, kim ngạch XK đạt 210 triệu USD, chiếm 1,9% về lượng và 3,2% về giá trị. Đến năm 2020, sản lượng XK cá rô phi là 60.000 tấn, giá trị XK đạt 160 triệu USD, chiếm 3,2% về lượng và 2% về giá trị. Trong khi đó, sản lượng cá chẽm XK đạt 60 ngàn tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 420 triệu USD, chiếm 3,2% về lượng và 5,3% về giá trị.

 

Quy hoạch các nhà máy chế biến theo vùng kinh tế

Đây là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo sự bền vững cho CBTSXK và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các nhà máy CBTS sẽ gắn với vùng nguyên liệu và các trung tâm công nghiệp chế biến của các vùng.

Đến năm 2020, sản lượng thủy sản XK của ĐBSH là 60.000 tấn, giá trị đạt 280 triệu USD, lượng nguyên liệu cần cho CBXK là 80.000 tấn/năm. Do vậy, cần đầu tư mở rộng công suất chế biến từ 12-15.000 tấn/năm (tương đương 4-5 nhà máy có công suất từ 2-3.000 tấn/năm) để đảm bảo hiệu suất sử dụng thiết bị khoảng 70%. Các nhà máy sẽ đặt ở Hải Phòng, nơi có các cảng biển, thuận lợi cho việc vận chuyển, đồng thời, có thể tập trung đầu tư kho lạnh thương mại.

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, cần đầu tư mở rộng công suất nhà máy thêm 50.000 tấn/năm so với năm 2015 (tương đương 10-12 nhà máy có công suất từ 4-5.000 tấn/năm) với hiệu suất sử dụng thiết bị khoảng 80%, nhằm đảm bảo sản lượng XK 220.000 tấn, với giá trị trên 1 tỷ USD. Đồng thời, xây dựng Đà Nẵng – Quảng Nam và Khánh Hòa thành 2 trung tâm CBTSXK của vùng.

Đối với vùng Đông Nam bộ, cần xây dựng thêm khoảng 10-12 nhà máy có công suất 4-5.000 tấn/năm, với hiệu suất sử dụng thiết bị duy trì ở mức 90%, nhằm đảm bảo quy hoạch sản lượng XK là 400.000 tấn, tương ứng 1,8 tỷ USD.

ĐBSCL là vùng trọng điểm phát triển sản xuất nguyên liệu và CBTSXK của cả nước. Đến năm 2020, cần đầu tư mới nhà máy có công suất khoảng 5.000 tấn/năm ở một số tỉnh như: Sóc Trăng (4-5 nhà máy), Trà Vinh (4 nhà máy), Cần Thơ (2 nhà máy), An Giang (2 nhà máy), Tiền Giang (3 nhà máy), Bến Tre (4 nhà máy), Đồng Tháp (3 nhà máy), Hậu Giang (3 nhà máy). Và 3-4 nhà máy chế biến chuyên tôm tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Quy mô, tốc độ phát triển CBXK và CB nội địa theo quy hoạch

Chế biến xuất khẩu:

– Giai đoạn 2011-2015: Sản lượng XK đạt 1.620 ngàn tấn, tăng bình quân 4,66%/năm; Giá trị XK đạt 6,5 tỷ USD, tăng bình quân 7,63%/năm.

– Giai đoạn 2016-2020: Sản lượng XK đến năm 2020 đạt 1.900 nghìn tấn, tăng bình quân 3,24%/năm; Giá trị XK đạt 8 tỷ USF, tăng bình quân 4,24%/năm.

Tính chung cả kỳ quy hoạch, tốc độ tăng bình quân của sản lượng XK là 3,92%/năm và 5,92%/năm về giá trị.

 

Chế biến tiêu thụ nội địa:

– Giai đoạn 2011-2015: Sản lượng CBNĐ đến năm 2015 đạt 780 nghìn tấn, tăng bình quân 3,09%/năm; Giá trị đạt 27.000 tỷ đồng, tăng bình quân 5,9%/năm.

– Giai đoạn 2016-2020: Sản lượng CBNĐ đến năm 2020 đạt 940 nghìn tấn, tăng bình quân 3,8%/năm; Giá trị đạt 34.210 tỷ đồng, tăng bình quân 4,85%/năm.

Tính chung cả kỳ quy hoạch, tốc độ tăng bình quân của sản lượng CBNĐ là 3,44%/năm và 5,37%/năm về giá trị.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!