(TSVN) – Phát triển tài chính xanh nói chung và với ngành thủy sản nói riêng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế dù có tiềm năng lớn.
Thời gian qua, nông nghiệp xanh được nước ta xác định là một trong những hướng đi quan trọng để phát triển đất nước hướng đến bền vững. Nhiều chính sách phát triển nông nghiệp xanh được ban hành, đang phần nào thay đổi tư duy, nhận thức về nông nghiệp và tập quán canh tác của nông dân.
Trong đó, việc thúc đẩy đầu tư xanh và các nguồn vốn xanh đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Các nguồn vốn này không chỉ giúp doanh nghiệp chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, mà còn tạo ra cơ hội để sử dụng các sản phẩm sạch, thân thiện với thiên nhiên. Từ đó, giúp các quốc gia đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Ở nước ta, sự quan tâm đến tín dụng xanh và các hình thức đầu tư xanh đang ngày càng tăng, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, gây tác động khó lường.
Dưới góc độ vĩ mô, từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, trong đó đề cập đến nhiều cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực tài chính để phát triển bền vững.
Để thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược tăng trưởng xanh, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020. Liên quan đến lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính được giao chủ trì triển khai 2/66 hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020, bao gồm: Hình thành khung chính sách tài chính tăng trưởng xanh; Chi tiêu công theo tiêu chuẩn xanh.
Chính sách tài chính cho tăng trưởng xanh từng bước được hoàn thiện trên tất cả các kênh như chi ngân sách Nhà nước, hệ thống chính sách thuế, chính sách tín dụng cũng như phát triển thị trường vốn.
Bộ Tài chính đã ra Quyết định 1934/QĐ-BTC về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030.
Theo đó, Bộ Tài chính đã phân công cụ thể các nhiệm vụ cho từng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp cũng như nêu rõ thời gian thực hiện, kết quả đầu ra của mỗi nhiệm vụ cụ thể thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 gồm 08 nhóm nhiệm vụ: (i) Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh; (ii) Truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức; (iii) Phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh; (iv) Huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh; (v) Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (vi) Hội nhập và hợp tác quốc tế; (vii) Thúc đẩy việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về sử dụng năng lượng hiệu quả; (viii) Thúc đẩy việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về sử dụng năng lượng hiệu quả.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành một số văn bản như Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam vào năm 2018, hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường năm 2023.
Tuy nhiên, thực tiễn còn rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần chuyển từ nâu sang xanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu thì lại có rất ít thông tin và rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh.
Theo nhiều chuyên gia, phát triển tài chính xanh trong bối cảnh hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế dù có tiềm năng lớn. Đầu tiên, khung pháp lý còn chưa rõ ràng và đồng bộ, trong khi nhu cầu cho các dự án thủy sản nói chung lẫn nuôi tôm nói riêng vẫn có dư địa lớn. Điều này dẫn đến việc các dự án gặp khó khăn trong việc huy động vốn và phát triển bền vững.
Mặt khác, Ngoài ra, các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, gặp khó khăn trong việc đánh giá rủi ro môi trường và xã hội liên quan đến các dự án xanh. Việc thiếu các công cụ và kỹ thuật đánh giá rủi ro xanh khiến nhiều ngân hàng e ngại khi cung cấp tín dụng cho các dự án này.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều tổ chức tín dụng đã bắt đầu có những chính sách thúc đẩy tài chính xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có thủy sản.
Đầu tiên, có thể kể đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Với vị thế ngân hàng chủ lực trong phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm phát triển kinh tế xanh từ “Tam nông”. Nhà băng đã chủ động đồng hành tư vấn sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp và cấp tín dụng linh hoạt đối với hộ nông dân và doanh nghiệp áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, sạch, chất lượng cao tại các địa phương. Thống kê cho thấy, đã có hơn 40.000 mô hình xanh trên cả nước đang được tài trợ bởi nguồn vốn từ Agribank.
Một ngân hàng quốc doanh khác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam năm ngoái cũng vừa ra mắt sản phẩm Khoản vay Liên kết Bền vững (SLL). Sản phẩm này của BIDV được thiết kế để thúc đẩy các hoạt động sản xuất và kinh doanh bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi hoạt động hướng tới giảm phát thải carbon.
Không chỉ nhóm Big 4, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng bắt đầu có những động thái tương tự. Năm 2024, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, nay đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam) và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group) chính thức ký kết hợp đồng tài trợ 5.000 tỷ đồng, ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp xanh theo định hướng phát triển ngân hàng gắn với nhiệm vụ phát triển tín dụng xanh – ngân hàng xanh của LPBank.
Ngoài ra, cuối năm 2024, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) (HSBC Việt Nam) và Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn) đã tham gia ký kết một thỏa thuận tài trợ tín dụng xanh. Sự kiện này ghi dấu khoản tín dụng xanh đầu tiên mà HSBC Việt Nam cấp cho Vĩnh Hoàn, đồng thời là khoản tín dụng xanh đầu tiên mà ngân hàng tài trợ trong lĩnh vực thủy sản, thể hiện sự hỗ trợ của HSBC đối với Vĩnh Hoàn, một doanh nghiệp sản xuất thủy sản Việt Nam, trên hành trình phát triển bền vững.
Để có thể nhận được khoản tín dụng thương mại xanh ngắn hạn nhằm hỗ trợ vốn lưu động cho hoạt động sản xuất thủy sản bền vững, Vĩnh Hoàn và các công ty con đã trải qua quy trình quản lý và phê duyệt tín dụng nghiêm ngặt về tài chính bền vững của HSBC. Đồng thời, khoản tín dụng xanh này cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Bộ Nguyên tắc Tín dụng Xanh quốc tế do Hiệp hội thị trường cho vay (Loan Market Association) và Hiệp hội thị trường cho vay Châu Á – Thái Bình Dương (Asia Pacific Loan Market Association) phối hợp ban hành.
“Việc Vĩnh Hoàn theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nuôi trồng thủy sản suốt nhiều năm qua giúp tối ưu hóa chuỗi giá trị, giảm thiểu chất thải và tạo ra giá trị từ các phụ phẩm”, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – CEO Vĩnh Hoàn cho biết.
Quý An