Với đà tăng trưởng trong quý II và quý III, dự báo, tôm xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2017. Con tôm cũng được kỳ vọng tạo nên sự đột phá về xuất khẩu trong thời gian tới.
Xuất khẩu tôm sang nhiều thị trường tăng trưởng dương Ảnh: Phan Thanh
Tín hiệu tốt
Sau khi giảm trong quý I, xuất khẩu tôm Việt Nam quý II và III tăng trưởng tốt, giá trị xuất khẩu trong quý II tăng 52% so với quý I, quý III tăng 25% so với quý II, quý III tăng 90% so với quý I (mức tăng trưởng cao nhất trong số các quý III so với quý I từ năm 2014 đến nay).
Như vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam trong 9 tháng năm 2017 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2016. Tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 93 thị trường, tăng 8 thị trường so với cùng kỳ năm 2016.
Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 65%; tôm sú 24% và còn lại là tôm biển (11%). Tỷ trọng xuất khẩu tôm chân trắng 9 tháng đầu năm nay tăng lên 65% từ 61% của cùng kỳ năm 2016, tỷ trọng tôm biển tăng lên 11% từ 8% tuy nhiên tỷ trọng tôm sú giảm xuống 24% từ 31%. Giá trị xuất khẩu tôm chân trắng đạt 1,8 tỷ USD; tăng 28,4% trong khi giá trị xuất khẩu tôm sú đạt 652,4 triệu USD; giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tổng các sản phẩm tôm xuất khẩu, tôm sú chế biến giảm mạnh nhất 27,7%; tôm loại khác sống/tươi/đông lạnh tăng mạnh nhất 179,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam khởi sắc nhờ nhu cầu tăng từ các thị trường xuất khẩu chính, giá tôm thế giới tăng, tỷ giá các đồng EUR và yên tăng so với USD. Top các thị trường chính, gồm: EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, Thụy Sỹ chiếm 96,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Những thị trường chính
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2017, EU vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu tôm sang EU trong giai đoạn này đạt 583,9 triệu USD; tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Xuất khẩu sang 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam (Hà Lan, Anh, Đức) trong khối EU đều tăng trưởng dương. Giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU tính tới hiện tại tăng trưởng tốt do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng nhập khẩu để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Xu hướng thị trường EU luôn ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tôm sinh thái. Bên cạnh đó, đồng EUR tăng giá so với USD cũng hỗ trợ các nhà nhập khẩu EU đẩy mạnh nhu cầu mua hàng.
EU đang tăng cường thanh tra các lô tôm từ Ấn Độ và có xu hướng giảm nhập khẩu tôm từ nguồn cung này. Từ tháng 10/2016 đến nay, Ấn Độ phải đối mặt với quy định của EU kiểm tra 50% lô tôm nhập khẩu từ Ấn Độ tại biên giới. Hơn nữa, phía EU cảnh báo có thể ngừng nhập khẩu tôm từ Ấn Độ cuối năm nay nếu Ấn Độ không tích cực cải thiện chất lượng để đáp ứng yêu cầu của EU. Trong khi Ấn Độ là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường EU nên EU sẽ nhập khẩu nhiều hơn từ Việt Nam để bù đắp khối lượng nhập khẩu giảm từ Ấn Độ.
Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu tôm sang đây đạt 513,5 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản trong đó có tôm của Nhật Bản từ năm 2016 đến nay liên tục tăng. Việc đồng Yên Nhật tăng giá, nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở Nhật tăng kèm theo các doanh nghiệp chế biến tôm Việt Nam có nhiều cải thiện về mặt chất lượng và quy cách chế biến sản phẩm là những nguyên nhân chính thúc đẩy xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng cao.
Trung Quốc là thị trường đứng thứ 3 về nhập khẩu tôm Việt Nam, ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất trong quý III năm nay với mức tăng trưởng 3 con số. Giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong quý III đạt 217,2 triệu USD, tăng 105,2%. Giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt trên 500 triệu USD, tăng 54,7%.
Do các thị trường tăng cường nhập khẩu để phục vụ nhu cầu cho các lễ hội cuối năm nên xuất khẩu tôm quý IV dự kiến vẫn tiếp tục tăng.
>> Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP: Hiện các nước tăng cường xuất khẩu tôm để phục vụ nhu cầu cho các lễ hội cuối năm nên xuất khẩu tôm quý IV dự kiến vẫn tiếp tục tăng. |