T2, 06/07/2020 12:31

Lạc quan xuất khẩu

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhu cầu tôm của thế giới tăng và nhiều nước sẵn sàng nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Vấn đề còn lại là tôm Việt Nam có đáp ứng được những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và đảm bảo một mức giá cạnh tranh so với các đối thủ khác hay không.

Khó là từ phía ta

Đây là nhận định của các doanh nghiệp tại đối thoại bàn tròn trong khuôn khổ chương trình Hợp tác công – tư ngành thủy sản (PPP) với chủ đề “Làm thế nào để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam” diễn ra ngày 15/11 tại Cần Thơ.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, trong năm tới, nhu cầu tiêu thụ tôm của thế giới vẫn tiếp tục tăng, vấn đề còn lại là làm sao ngành tôm Việt Nam khắc phục được những điểm yếu của mình để tăng tính cạnh tranh tại những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật mà xâm nhập ngày càng sâu hơn những thị trường mới nổi khác.

Báo cáo của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) ở Sóc Trăng cho thấy, trong năm tài chính 2016, hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu tôm của Công ty đều tốt và có lãi. Cụ thể, năm tài chính 2016 (tính từ tháng 9/2015 đến tháng 9/2016) doanh thu của Công ty là 101 triệu USD, tăng 5,3% so với năm trước và vượt kế hoạch đề ra. Năm nay, việc nuôi tôm, chế biến tôm, chế biến nông sản đều có lãi. Chỉ cần một dẫn chứng từ doanh nghiệp để thấy, triển vọng của ngành tôm Việt Nam vẫn luôn lạc quan.

Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam

Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam – Ảnh: Nguyệt Nga

Tương lai cho sản phẩm tôm của Việt Nam là rất khả quan với điều kiện là Việt Nam phải kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm. Điều này được ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nói khá rõ ràng, bên hệ thống siêu thị Wal Mart, Mỹ sẵn sàng nhập tôm của Việt Nam để bán trong hệ thống của họ; song, điều kiện kèm theo là những sản phẩm này không có kháng sinh. Thị trường luôn có cửa cho con tôm Việt Nam. Vấn đề là doanh nghiệp có thể đáp ứng những điều kiện này hay không mà thôi.

Số liệu của VASEP cho thấy, trong quý đầu tiên của năm nay, xuất khẩu tôm qua Mỹ có giảm nhưng từ đầu quý II/2016, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường nay tăng đều đặn, giá trị xuất tháng sau cao hơn tháng trước. Trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đã đạt hơn 520 triệu USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Hiện, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.

Theo đánh giá của VASEP, trong những tháng cuối năm, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Một phần do nhu cầu cuối năm tăng, phần khác do những quốc gia đang cạnh tranh xuất khẩu tôm với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Thái Lan đều gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu chế biến, vì thế, giá tôm những quốc gia này phải tăng lên, do đó, Việt Nam trở thành lựa chọn của các nhà nhập khẩu Mỹ nhằm cung đủ nguồn cho nhu cầu cuối năm. 

Những thị trường mới đều tăng trưởng

Không chỉ có thị trường Mỹ – một thị trường xuất khẩu truyền thống của con tôm Việt Nam mà những thị trường mới nổi cũng có những kết quả khả quan. Thị trường Australia cũng đầy hứa hẹn, là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp tôm khai phá.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, trong năm năm qua, Việt Nam nổi lên như một trong những nhà cung cấp các sản phẩm tôm lớn nhất cho Australia và có thể tiếp tục mở rộng. Số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Australia cho thấy, trong  8 tháng đầu năm 2016, Australia đã nhập khẩu 18.000 tấn tôm các loại, trong đó, 33% là từ Việt Nam. Theo kế hoạch, trong tháng 11 có một phái đoàn của Australia đến Việt Nam để làm việc. Phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kế hoạch qua Việt Nam lần này sẽ có những đàm phán liên quan đến xuất khẩu thủy sản, trong đó, phần nhiều là cho mặt hàng tôm.

Vào thời điểm cuối năm, các nước châu Âu, Mỹ sẽ có nhu cầu tiêu thụ nội địa nhiều hơn do đây là thời điểm có những ngày nghỉ dài như Giáng sinh, Tết; Vì thế, người tiêu dùng sẽ có nhu cầu tiêu thụ nhiều hơn. Do đó, xuất khẩu những tháng cuối năm thường tăng tốc. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam đạt kế hoạch của năm nhờ những hợp đồng ký vào cuối năm.

Trong 5 năm qua, lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường đông dân nhất thế giới tăng liên tục. Giai đoạn 2011 – 2015, lượng xuất khẩu từ 53.000 tấn lên 103.000 tấn, tức là tăng 94% sau 5 năm. Khác với Mỹ, vốn yêu thích mặt hàng tôm thẻ chân trắng thì Trung Quốc lại tiêu thụ mạnh mặt hàng tôm sú.

Thị trường Trung Quốc cũng được VASEP dự báo khả quan do nguồn cung trong nước giảm do dịch bệnh bùng phát. Trung Quốc sẽ chọn tôm Việt Nam để bù đắp sự thiếu hụt ấy. Vì thế, không chỉ những tháng cuối năm nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc từ Việt Nam tăng mà cả những năm tới, đây vẫn là thị trường màu mỡ cho con tôm Việt Nam.

 

>> Tôm Việt Nam đang xuất khẩu qua ba thị trường chủ lực là Mỹ, EU, Nhật. Đây là những thị trường đòi hỏi khắt khe về các tiêu chí, vì vậy không có một thị trường nào trên thế giới có thể ngăn cản được sự “xâm nhập” của con tôm Việt Nam.

Út Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!