(TSVN) – Nối tiếp đà tăng trưởng những tháng cuối năm 2020, đầu năm nay, ngành thủy sản liên tục đón nhận niềm vui trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Thủy sản đắt hàng trở lại, nông dân và doanh nghiệp đầy tự tin bước vào vụ sản xuất mới.
Đã qua thời gian cá, tôm bèo bọt, những tháng đầu năm 2021, giá bán các loại thủy sản đồng loạt tăng mạnh, người nuôi vô cùng phấn khởi.
Tại Cà Mau, cua gạch loại đặc biệt (500 g trở lên) được thương lái thu mua tận nơi với giá 1 triệu đồng/kg, loại 2 giá 800.000 đồng/kg, tăng 80.000 – 100.000 đồng/kg; cua y nhất giá 420.000 đồng/kg… Đây là mức giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Cùng với cua, cá kèo tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau cũng tăng giá mạnh sau Tết Nguyên đán. Thương lái vào tận ao mua với giá 70.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha sau khi trừ hết chi phí.
Bên cạnh đó, giá tôm cũng đang ở mức cao. Hiện, TTCT loại 100 con/kg có giá từ 90.000 – 95.000 đồng/kg và size tôm càng lớn giá càng cao. Tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg có giá 150.000 đồng/kg; mức giá khá cao so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho là do phần lớn các đơn hàng xuất khẩu tôm của Việt Nam bán được giá, xuất khẩu sang nhiều thị trường. Mặt khác, thời điểm này, không phải chính vụ tôm nuôi của vùng ĐBSCL.
Ngay thời điểm đầu năm, giá hải sản các loại tại tỉnh Ninh Thuận tăng lên đáng kể. Tại chợ Nại (thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải), cua biển được bán với giá từ 260.000 – 280.000 đồng/kg, ghẹ có giá 220.000 – 270.000 đồng/kg, các loại cá thu, cá bóp có giá 170.000 – 220.000 đồng/kg. Các loại thủy, hải sản khác cũng tăng giá từ 10.000 – 20.000 đồng/kg. Theo chia sẻ của ngư dân, sản lượng hải sản khai thác trong tỉnh tuy chưa nhiều nhưng được thương lái thu mua ngay tại cảng với giá khá cao đã tạo sự phấn khởi cho chủ tàu và bà con.
Hoạt động khai thác thủy sản đầu năm tại các địa phương khá nhộn nhịp. Ảnh: Vũ Mưa
Còn ngư dân ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) thời gian qua trúng đậm nhiều mẻ cá cơm, mỗi tàu một ngày có thể thu về 1 – 1,5 tấn. Toàn xã Gio Việt hiện có 110 tàu khai thác hải sản, hơn 2 tháng đầu năm, sản lượng đánh bắt đạt khoảng 400 tấn cá các loại.
Tại Phú Yên, ngư dân đang tất bật khai thác ruốc. Các tàu đi về trong ngày, sản lượng trung bình mỗi thuyền đạt từ 8 – 9 tạ ruốc, có thuyền đạt trên 1 tấn. Ngoài ra, một số tàu trúng cá hố. Hiện nay, ruốc và cá hố được thương lái thu mua hết với giá tốt, không có tồn đọng tại cảng càng tạo động lực vươn khơi cho ngư dân.
Xuôi vào miền Tây, hiện nay ngư dân Bạc Liêu cũng đang đẩy mạnh khai thác ruốc. Trung bình mỗi tàu nhỏ có thể đánh bắt được khoảng 300 kg/ngày, giá thu mua từ 12.000 – 15.000 đồng/kg cho ruốc tươi và từ 48.000 – 50.000 đồng/kg ruốc khô, mỗi tàu thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng/ngày.
Chuyến biển đầu năm 2021, việc liên tục trúng lộc biển vừa tăng nguồn thu nhập cho ngư dân, đồng thời mang lại hy vọng sẽ có một năm thuận lợi với nghề biển.
Tiếp nối đà tăng trưởng cuối năm 2020, những tháng đầu năm 2021 xuất khẩu thủy sản tiếp tục có những bứt tốc mạnh. Tháng 1, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 606 triệu USD, tăng 23,4% so cùng kỳ năm ngoái. Bước sang tháng 2 trùng với thời gian nghỉ Tết kéo dài, xuất khẩu thủy sản chậm lại nhưng vẫn đạt 405 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD, tăng 2,2% so cùng kỳ năm 2020.
Đáng nói, các hầu hết mặt hàng chủ lực đã tìm lại được đà tăng như trước. Trong đó, TTCT xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 304 triệu USD, tăng 14% so cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 80% tổng xuất khẩu tôm của cả nước; trong khi đó, xuất khẩu tôm sú 2 tháng chỉ đạt 38 triệu USD, giảm tới 48%.
Xuất khẩu cá tra trong 2 tháng đầu năm tăng 1,7% so cùng kỳ 2020, trong đó giá trị tháng 1 tăng 22% đạt 123,5 triệu USD. Và chỉ trừ Trung Quốc, EU, xuất khẩu cá tra Việt Nam đang có chiều hướng phục hồi mạnh tại tất cả các thị trường khác; trong đó, dẫn đầu là Mỹ, tiếp đến là khối các nước trong CPTPP, Brazil, Anh, Nga…
Còn xuất khẩu hải sản lũy kế 2 tháng đầu năm cũng đạt gần 420 triệu USD, tăng 5,5% so cùng kỳ năm ngoái, riêng tháng 1, xuất khẩu các mặt hàng hải sản tăng 31,4% và đạt tới 264 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng cá ngừ và nguyễn thể hai mảnh vỏ giảm.
Với đà tăng trưởng của hai tháng vừa qua cộng với việc nhu cầu thế giới lớn, dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 3 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so cùng kỳ năm trước.
Mặc dù xuất khẩu thủy sản vẫn duy trì tốt đà tăng trưởng, tuy nhiên, theo Bộ Công thương, thời gian gần đây Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp thắt chặt kiểm dịch và ATTP, truy xuất nguồn gốc cùng nhiều yêu cầu chi tiết về cơ sở đóng gói, nhãn mác… khiến xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường này gặp không ít khó khăn. Để tránh bị tác động, Bộ Công thương khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cường công tác giám sát chất lượng của hàng hóa, tránh vi phạm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, ATTP, góp phần giúp quá trình thông quan diễn ra thuận lợi hơn. Mặt khác, cần tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ FTAs để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản thâm nhập thị trường mới.
Phan Thảo