Quý I/2015, xuất khẩu cua ghẹ của cả nước đạt gần 22 triệu USD, giảm so quý IV/ 2014, tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Thị trường nhập khẩu cua ghẹ từ Việt Nam không đổi, 26 thị trường. Với mức tăng ấn tượng 52%, Asean vượt qua Trung Quốc và đứng thứ 4 về nhập khẩu cua ghẹ.
Trong số các thị trường nhập khẩu chính cua ghẹ từ Việt Nam, Australia là thị trường tăng mạnh nhất với 224%; Canada giảm nhập khẩu mạnh nhất tới 99%. Mỹ, EU, Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường hàng đầu về nhập khẩu cua ghẹ từ Việt Nam.
Với thị trường Mỹ, trong quý I/2015, xuất khẩu cua ghẹ sang Mỹ đạt gần 10 triệu USD, tăng 11% so cùng kỳ quý I/2014. Được biết, Mỹ nhập khẩu cua ghẹ từ 29 nước. Cua ghẹ từ các nước thuộc khu vực Asean chiếm gần một nửa so trong tổng giá trị mà Mỹ nhập khẩu. Tính chung các nước Asean đã xuất khẩu cua ghẹ sang Mỹ đạt 87 triệu USD, tăng mạnh so với năm 2014.
So sánh với các nước trong khu vực Asean, sản phẩm cua ghẹ của Việt Nam có mức giá khá cạnh tranh. Giá xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam đạt 20.957 USD/tấn. Nếu so với giá của ghẹ của Indonesia hay Philippines thì thấp hơn khá nhiều trong khi chất lượng tương đương (giá của Indonesia là 25.656 USD/tấn và Philippines là 26.713 USD/tấn).
Một thị trường nhập khẩu cua ghẹ đầy tiềm năng không thể không nhắc tới là EU. Quý I/2015, xuất khẩu cua ghẹ Việt Nam sang EU đạt 5 triệu USD, tăng nhẹ so với quý I/2014. EU nhập khẩu cua ghẹ từ 75 nước, cua ghẹ từ các nước thuộc khu vực Asean đạt gần 150 triệu USD trong năm 2014.
Tin vui là so sánh tương quan với các nước trong khu vực về sản lượng và giá trị xuất khẩu ghẹ sang EU thì Việt Nam dẫn đầu, đứng trên cả Indonesia bởi giá cả tốt và chất lượng đảm bảo.
Trong 3 thị trường nhập khẩu chính cua ghẹ của Việt Nam, Nhật Bản tăng nhập khẩu mạnh nhất. Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu cua ghẹ từ Việt Nam sang Nhật Bản đạt 3,4 triệu USD, tăng tới 32% so với cùng kỳ năm 2014. Tính ra với 3,4 triệu USD xuất khẩu cua ghẹ vào thị trường Nhật Bản, cua ghẹ Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia trong khối ASEAN.
Các chuyên gia dự báo, năm nay 2015 sẽ là năm “ăn nên làm ra” với các doanh nghiệp kinh doanh cua ghẹ. Lý do là tồn kho giảm do hạn ngạch xuất khẩu tăng, giá nhiên liệu tại các nhà máy chế biến giảm, giá sản phẩm cua ghẹ tại các thị trường nhập khẩu lớn đều cao và ổn định. Những yếu tố này cũng chính là cơ hội cho sản phẩm cua ghẹ của Việt Nam.