(TSVN) – Thời gian qua, lĩnh vực nuôi cá nước lạnh được tỉnh Lai Châu quan tâm đầu tư, với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi về cơ sở hạ tầng, vốn,… Nhờ đó, quy mô nuôi cá nước lạnh đã tăng khá nhanh.
Lai Châu là tỉnh thuộc vùng miền núi Tây Bắc Việt Nam, đây là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm…). Với khí hậu của vùng núi cao gồm các huyện như Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên,… có mùa đông lạnh, nguồn nước tự nhiên sạch, khí hậu mát mẻ vào mùa hè,… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi cá nước lạnh. Nhờ đó, nhiều người dân đã vươn lên thoát nghèo, đời sống kinh tế ổn định. Nghề nuôi cá nước lạnh đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho vùng đất biên giới này.
Đặc biệt, thời gian qua, nghề nuôi cá nước lạnh được Lai Châu quan tâm đầu tư. Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân đầu tư nuôi cá nước lạnh như hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, vốn vay ưu đãi đến hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc. Nhờ đó, quy mô nghề nuôi cá nước lạnh của tỉnh tăng khá nhanh.
Hiện, Lai Châu có hơn 65.300 m³ nuôi cá nước lạnh. Ảnh: Thanh Hoa
Hiện, Lai Châu có hơn 65.300 m³ nuôi cá nước lạnh, với sản lượng bán ra thị trường ước đạt hơn 500 tấn thương phẩm mỗi năm. Với tiềm năng tự nhiên sẵn có, nuôi cá nước lạnh đang được Lai Châu quy hoạch thu hút các cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư. Những sản phẩm từ cá nước lạnh đang dần khẳng định vị thế và chỗ đứng trên thị trường, trở thành một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở các vùng cao Lai Châu.
Huyện Phong Thổ là một trong những địa phương có nghề nuôi cá nước phát triển mạnh tại Lai Châu. Đến nay, huyện có 40 cơ sở là doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị và người dân đang nuôi cá tầm, cá hồi với tổng số 210 bể nuôi cá thương phẩm và cá giống.
Đặc biệt, tại bản Dền Sung và Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ), hiện nay người dân trong bản đã hợp tác vơi nhau xây bể nuôi cá nước lạnh thương phẩm. Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, nuôi cá hồi, cá tầm ở thị xã Sa Pa và huyện Tam Đường, các hợp tác xã đã nhập giống cá tầm về nuôi, từ đó phát triển mở rộng, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, xã Sin Suối Hồ đã có 27 hộ nuôi với thể tích 12.000 m³, đáp ứng nhu cầu cá thương phẩm tại bản du lịch Sin Suối Hồ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nghề nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh cũng gặp những khó khăn nhất định. Đơn cử như địa hình đồi núi dốc, thiếu mặt bằng để xây dựng, chi phí đầu tư lớn. Giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển vật tư đầu vào phục vụ quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; vấn đề về điện lưới quốc gia chưa đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đồng thời, hệ thống nuôi phụ thuộc nhiều vào nguồn nước tự nhiên như hiện nay cũng sẽ không bảo đảm nguồn nước cung cấp trong mùa khô, cho nên không nâng cao được năng suất tới mức cao nhất.
Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế trong thực hiện các thủ tục hành chính như: Đăng ký cấp mã số cơ sở nuôi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Mặt khác, một số thủ tục về vay vốn còn khó khăn, có những chủ thể chưa tiếp cận được nguồn vốn.
Để tháo gỡ các khó khăn trên, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Lai Châu thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030. Theo đó, đề xuất xây dựng đường dây 35kV, trạm biến áp, đường giao thông đến một số điểm tiềm năng nuôi cá nước lạnh của tỉnh, xây dựng trạm kiểm dịch, triển khai đăng ký mã số nuôi trồng
Địa phương tiếp tục tạo mới điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận được với các chính sách, rà soát, đánh giá lại các chính sách hỗ trợ để đưa ra các chính sách giải quyết phù hợp từng đối tượng, theo các nguồn vốn chương trình chính sách. Cùng đó, kêu gọi đầu tư, phát triển, làm chủ công nghệ sản xuất giống cá nước lạnh.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, áp dụng các biện pháp phòng và điều trị bệnh cho cá nước lạnh. Đặc biệt là khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi liên kết trong sản xuất gắn với chế biến sâu, góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh,…
Nguyễn Hằng