Tận dụng diện tích 65,27 ha mặt nước, nhiều gia đình tại xã San Thành đã tập trung nuôi trồng thủy sản và mang lại hiệu quả kinh tế.
Theo Trạm Khuyến nông xã San Thàng, ngoài kinh nghiệm tự đúc rút trong thời gian nuôi cá, các gia đình còn được xã phối hợp với các đơn vị mở lớp dạy nghề nuôi thủy sản nước ngọt. Từ đó, nắm được kỹ thuật nuôi cá, đặc điểm nghề cá. Khi thực hành nuôi cá, các gia đình được cung cấp cá giống mới, tham gia mô hình nuôi cá.
Đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống: trắm, trôi, mè, rô phi… – Ảnh: Quốc Minh
Tận dụng lợi thế nguồn nước và kinh nghiệm nuôi cá lâu năm của vùng, nhiều gia đình đã đào ao thả các loại cá: trắm, chép, mè, trôi, rô phi. Cá địa phương có thời gian nuôi 1 – 2 năm/lứa thu hoạch (riêng cá rô phi thời gian thu hoạch có thể ngắn hơn); Sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên như cỏ, bột ngô, lá sắn nên khi ăn cá có vị tươi, ngọt đậm, chắc thịt. Theo kinh nghiệm của những người nuôi, trung bình khi thu hoạch, cá trôi có thể đạt trọng lượng đến trên 2 kg, trắm 4 – 6 kg, chép 1 – 2 kg, rô phi dưới 1 kg, tùy thuộc vào việc người nuôi cá chọn cá giống loại to hay nhỏ.
Việc nghiên cứu mở rộng diện tích nuôi thủy sản địa phương vừa đảm bảo nguồn cung cấp cho thị trường, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân cần được xã San Thàng cũng như các địa phương khác quan tâm.