(Thủy sản Việt Nam) – Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam lại đang phải đối mặt với nỗi lo thiếu nguyên liệu và buộc phải từ chối nhiều đơn hàng có giá trị kinh tế cao. Nguyên nhân vì đâu?
Nhu cầu tăng mạnh
Dự báo xuất khẩu thủy sản các tháng cuối năm khó khăn do khủng hoảng nợ công ở châu Âu, Mỹ… đã không xảy ra. Thay vào đó, cuối tháng 8/2011, nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản lại tăng mạnh ở nhiều thị trường, tiêu biểu nhất là hai thị trường lớn như EU và Mỹ.
Tại thị trường châu Âu, người tiêu dùng vốn dành sự ưa chuộng cho các loại fillet cá thịt trắng, chủ yếu là các loài cá nước lạnh như cá minh thái Alaska, cá tuyết và fillet cá meluc. Kể từ khi cá tra Việt Nam được đưa vào tiêu thụ tại thị trường nhiều nước ở EU như một loài cá thịt trắng nhiệt đới thì thị phần của loài cá này tiếp tục mở rộng. Trong quý I/2011, tổng khối lượng nhập khẩu cá tra fillet vào thị trường EU vẫn giữ ở mức ổn định như năm 2010. Các thị trường chính tại EU vẫn tăng nhập khẩu cá tra, cụ thể Tây Ban Nha tăng 16% so với năm 2010, Hà Lan tăng 9%, Ba Lan tăng 23%. Riêng nhập khẩu cá tra vào thị trường Đức có giảm nhẹ. Sở dĩ người tiêu dùng ưa chuộng cá tra là do nguồn cung ổn định, chất lượng tốt và giá thành lại rẻ hơn so với giá cá nước lạnh nội địa.
Còn ở thị trường Mỹ, quý I/2011, nhập khẩu cá da trơn của Mỹ tăng 20% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó cá tra chiếm 94%, còn lại là cá Ictalurus spp (6%). Đặc biệt, cá tra của Việt Nam chiếm 90% tổng lượng nhập khẩu loài cá này vào Mỹ, tăng 40% so với thời điểm nhập khẩu cá da trơn của Mỹ giảm 60% cách đây một năm.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương cho biết, ngay từ đầu tháng 9/2011, các nước châu Âu đã tăng sản lượng nhập khẩu cá tra fillet kích cỡ nhỏ, tương đương cá tra nguyên liệu loại 850 gam/con lên gấp đôi quý III/2011. Điều này đã buộc các doanh nghiệp trong nước tăng tốc mua và chế biến, dẫn đến giá cá tra tăng thêm 2.000 đồng/kg, hiện đạt mức 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với việc thiếu hụt nguyên liệu và không đủ hàng để xuất khẩu.
Thiếu nguyên liệu vẫn là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam Ảnh: Duy Khương
Dân không “mặn mà” nuôi
Nếu như cách đây 2 tháng, tình trạng giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh, người nuôi phải chịu lỗ nặng, giá cá giảm từng ngày nhưng kêu bán không có doanh nghiệp hay nhà máy nào chịu mua, mà cứ hẹn lần hẹn lượt. Đặc biệt đối với cá tra quá cỡ, tình trạng diễn ra rất thê thảm. Doanh nghiệp không ngó tới, nhiều người nuôi chọn cách tự mang ra chợ bán, nhưng số lượng tiêu thụ ít nên cá tồn đọng vẫn còn rất lớn khiến người dân đứng bên bờ vực phá sản thì nay, ngay khi thị trường xuất khẩu khởi sắc, lập tức cuộc đua giành giật nguyên liệu diễn ra. Ngày 30/8/2011, giá cá tra loại một, kích cỡ từ 600 – 700 gram/con, được doanh nghiệp mua ở mức 24.500 đồng/kg, loại quá lứa lên 22.000 đồng, tăng trung bình 1.500 đồng/kg so với hồi giữa tháng. Tuy nhiên, nhiều nhà máy cho biết, tình trạng thiếu cá nguyên liệu bắt đầu xảy ra giống như hồi đầu năm nay, nên đã phải từ chối nhiều hợp đồng.
Không khó khăn gì để lý giải cho tình trạng này, giá cá tra tụt giảm từ 28.000 – 29.000 đồng/kg xuống còn 20.000 – 21.000 đồng/kg trong suốt ba tháng qua, cộng với ngân hàng thắt chặt tín dụng, lãi suất vay quá cao là nguyên nhân khiến người nuôi không mặn mà trong việc mở rộng nuôi cá. Chính vì vậy, không chỉ trong tháng 9 này mà ngay cả khi vào mùa tiêu thụ cao điểm cuối năm, VASEP dự báo nguyên liệu cá tra sẽ vẫn thiếu hụt trầm trọng, gây ra tình trạng sốt giá và các doanh nghiệp sẽ vẫn phải đối mặt với việc từ chối nhiều đơn hàng mang lại giá trị kinh tế cao như hiện nay.
>> 7 tháng đầu năm 2011, Việt Nam có 131 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu, trong đó Công ty Hùng Vương có khối lượng và giá trị xuất khẩu lớn nhất sang thị trường này, tiếp đến là Vĩnh Hoàn, Hùng Cá và Tô Châu.
Hải Băng