Lại vướng Oxytetracycline

Chưa có đánh giá về bài viết

Tháng 2 và 3/2014, Nhật Bản phát hiện chất kháng sinh Oxytetracycline (OTC) trong 2 lô tôm nhập từ Việt Nam. VASEP đã thẩm tra thông tin này và có công văn gửi các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm sang Nhật, thông báo việc Nhật kiểm tra chỉ tiêu OTC với 100% lô tôm nhập từ Việt Nam.

Đây là một dấu hiệu cho thấy những khó khăn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Nhật. Năm 2013 Việt Nam đứng thứ hai về cung cấp tôm cho Nhật, chỉ sau Thái Lan và chiếm tới 18,7% tổng nguồn cung tôm cho nước này.

Tháng 2, xuất khẩu tôm Việt Nam vào Nhật Bản đạt 88,947 triệu USD – Ảnh: An Đăng

Năm 2012, phía Nhật đã kiểm tra 100% lô hàng nhập từ Việt Nam với chất Ethoxyquin, Trifluralin… Tháng 5/2013, phía Nhật mới bỏ kiểm tra 100 % chất Trifluralin trong tôm. Đến đầu tháng 2/2014, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản mới điều chỉnh giới hạn dư lượng tối đa đối với chất kháng sinh Ethoxyquin từ 0,01 ppm (phần triệu) lên 0,2 ppm. Chưa vui được bao lâu thì giờ đây tôm Việt lại vướng vào chất kháng sinh mới.

Cách đây không lâu, một số chuyên gia vẫn còn khuyến khích dùng OTC chữa bệnh cho tôm, với phác đồ dùng OTC 20% dạng tiêm; thuốc được pha với tỉ lệ 1 phần thuốc, 9 phần nước cất, tiêm 0,1 ml/100 g tôm; thời gian thực hiện 14 ngày trong điều trị bệnh sữa. Một số địa phương cho biết sẽ tích cực áp dụng phác đồ này. Trong khi đó, việc truyên truyền tác hại của lạm dụng kháng sinh nói chung và Oxytetracycline nói riêng chưa đến nơi đến chốn.

OTC là dẫn chất Tetracycline được dùng chữa lậu, giang mai, tả, sốt định kỳ, sốt rét… Dân ta không phải không biết độc tính loại thuốc này. Chẳng hạn, nó được dùng chữa bệnh cho cá rồng, với các bệnh đốm trắng, đốm đỏ, rách mang, hoại tử vây mang, đứt vây mang, tràn dịch màng bụng, và được khuyến cáo “kháng sinh Oxytetracycline tương đối độc, khi sử dụng phải đeo bao tay, tránh tiếp xúc trực tiếp thuốc gây hại sức khỏe”.

Năm 2013, các địa phương đã kiểm tra, lấy 507 mẫu thủy sản để phân tích. Kết quả phát hiện 1 mẫu tôm thẻ chân trắng tại Ninh Phước, Ninh Thuận nhiễm chất OTC vượt ngưỡng cho phép (0,19%). Dù đã được cảnh báo nhưng dường như một số người nuôi và doanh nghiệp vẫn để ngoài tai, cho đến khi bị Nhật phát hiện thì vấn đề mới được chú ý hơn. Phải chăng, những cảnh báo trong nước quá mờ nhạt và việc xử phạt từ trong nước không đủ răn đe, ngăn chặn?

Một nghiên cứu cho biết, việc lạm dụng kháng sinh trong ngành nông nghiệp rất phổ biến ở Trung Quốc. Trong số 210.000 tấn thuốc kháng sinh sản xuất ở Trung Quốc thì 50% được sử dụng cho vật nuôi. Nhưng một số công ty ở Việt Nam lại thông tin rằng từ năm 2001 Trung Quốc đã nhập giống tôm thẻ chân trắng nguyên chủng về nuôi, kết quả tương đối khá, và khuyến cáo kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng nguyên chủng, rằng “đưa thuốc kháng sinh vào bể để phòng bệnh là rất cần thiết (dùng Furazolidon và Oxytetracycline)”.

Trung tâm Phòng và kiểm soát bệnh của Mỹ (CDC) đưa ra khẩu hiệu: Nguyên tắc thứ nhất: cố gắng không dùng kháng sinh; nguyên tắc thứ hai: cố gắng không dùng nhiều kháng sinh. Xem ra việc hạn chế sử dụng kháng sinh vẫn còn là vấn đề nan giải ở Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển hiện nay. Nông dân rất cần các nhà khoa học giúp đỡ, nhằm hạn chế và tiến tới giảm thiểu việc dùng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

>> Theo các nhà khoa học, việc sử dụng chất kháng sinh tồn dư trong thức ăn sẽ phá sự cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột người; đồng thời, nó sinh ra nhiều loại vi khuẩn độc lực cao và tạo hiện tượng nhờn thuốc. 

N.A

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!