THỨ HAI, ngày 27/1/2025

Lâm Đồng: Những tỷ phú nuôi cá tầm trên núi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng có khí hậu mát mẻ và nguồn nước dồi dào, rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh. Nhờ chuyển đổi sang mô hình nuôi cá tầm mà nhiều hộ dân tại đây đã thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Diện tích nuôi cá tầm của địa phương hiện cũng đang đứng đầu toàn tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên.

Trang trại nuôi cá tầm của anh Huỳnh Ngọc Thu là một trong những mô hình nuôi cá tầm tiêu biểu, quy mô lớn tại xã Rô Men. Từ những bể nuôi cá đầu tiên, trang trại của anh ngày càng mở rộng với nhiều khu chức năng riêng biệt, hiện chi phí đầu tư đã trên 40 tỷ đồng. 

Cách đây hơn 10 năm, anh Huỳnh Ngọc Thu quyết định rời TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) lên xã Rô Men để xây dựng trang trại nuôi cá tầm trên diện tích hơn 10.000 m2 với 80 bể nuôi cá. Trang trại cũng được trang bị nhà chứa bồn để ươm cá tầm bột, hệ thống dẫn lọc và cấp thoát nước, nhà nghỉ và làm việc của công nhân… Nước nuôi cá được dẫn từ suối về bể sau đó lắng lọc, khử khuẩn rồi mới chuyển sang bể nuôi. 

Cá tầm thương phẩm tại trang trại cá tầm của anh Huỳnh Ngọc Thu, xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ST

Nhằm giảm chi phí đầu vào và đảm bảo dinh dưỡng, anh Thu đầu tư nhà xưởng, mua nguyên liệu như ngô, bột cá, rau… để chế biến thức ăn cho cá. Mô hình nuôi cá tầm của anh Huỳnh Ngọc Thu được thực hiện khép kín từ khâu ươm trứng đến nuôi thương phẩm và bảo tồn giống, sau 15 tháng sẽ cho thu hoạch. Ước tính mỗi năm trang trại của anh Thu cung ứng ra thị trường khoảng 600 tấn cá tầm, sau khi trừ mọi chi phí anh thu lãi khoảng 5 tỷ đồng.

Trang trại của bà Nguyễn Phương Bắc, thôn 4, xã Rô Men cũng là một trong những mô hình nuôi cá nước lạnh tiêu biểu của địa phương. Cách đây 3 năm, gia đình bà xây hơn 20 bể cá tầm với diện tích khoảng 200 m2, sản lượng mỗi năm đạt 10 – 15 tấn. Nhờ đầu ra thuận lợi nên mỗi năm gia đình bà Bắc thu về hàng tỷ đồng tiền lãi. 

Bể lọc nước nuôi cá tầm. Ảnh: ST

Cá tầm là loại cá nước ngọt xuất xứ vùng ôn đới, hơn nữa vùng Rô Men lại có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Diện tích rừng ở đây cũng còn nhiều, có suối nước mát chảy về từ núi cao, nhiệt độ nước khoảng 25oC, rất thích hợp để nuôi cá tầm. Tuy nhiên, mô hình nuôi cá tầm tại trang trại của anh Huỳnh Ngọc Thu nói riêng và của đa phần các hộ nuôi ở đây không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Anh Thu kể có đợt lũ đổ về bất chợt khiến trang trại không kịp xử lý, cá bị sốc chết hàng loạt, thế là cả vụ mất trắng. Hiện nay xã Rô Men có 45 hộ nuôi cá tầm với tổng diện tích mặt nước khoảng 9,5 ha với thị trường tiêu thụ dồi dào tại các tỉnh, thành phố phía Nam, sau khi trừ các chi phí người nuôi có thể đạt lợi nhuận khoảng 50%.

Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Rô Men cho biết: Địa phương xác định nghề nuôi cá tầm là thế mạnh, đồng thời cũng là ưu tiên trong định hướng phát triển kinh tế của xã. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình nuôi cá tầm tại xã vẫn còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Xã Rô Men đã quy hoạch diện tích 28 ha phục vụ nghề nuôi cá tầm. Cán bộ xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và khuyến khích người dân có điều kiện thực hiện chuyển đổi mô hình. Ngoài ra, xã cũng phối hợp với cơ quan chức năng của huyện Đam Rông cũng như ngành kiểm lâm tuyên truyền để người dân bảo vệ rừng đầu nguồn và nguồn nước bởi đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn với nghề nuôi cá tầm. 

\

>> Hiện toàn huyện Đam Rông có gần 10 ha nuôi cá tầm theo hướng ứng dụng công nghệ cao với năng suất hơn 70 tấn/ha (ước tính sản lượng từ 1.200 - 1.400 tấn/năm). Diện tích nuôi cá tầm tập trung ở xã Rô Men, Đạ M’Rông, Đạ Tông, Đạ Long và Liêng Srônh. Cá tầm có thị trường ổn định mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Huyện định hướng phát triển 50 ha mặt nước nuôi cá nước lạnh đến năm 2025, cùng với đó là những chính sách ưu tiên để xây dựng thương hiệu cá tầm Lâm Đồng ngày một chuyên nghiệp và bền vững. 

Thùy Khánh

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!