Lâm Đồng: Sản lượng cá nước lạnh đạt 2.300 tấn/năm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá nước lạnh trở thành sản phẩm nông nghiệp chính trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, toàn diện, hiện đại của tỉnh Lâm Đồng. Sản lượng cá nước lạnh trên toàn tỉnh đạt 2.300 tấn/năm đem lại giá trị ước đạt tới 450 tỷ đồng.

Cá nước lạnh (cá tầm và cá hồi) là đối tượng thủy sản nuôi cá giá trị kinh tế cao, nhất là trứng cá tầm muối (Caviar) được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Từ năm 2004 – 2005 cá hồi vân và cá tầm được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I nhập khẩu trứng cá đã thụ tinh về nuôi thử nghiệm ở huyện Sa Pa (Lào Cai). Đến năm 2006, cá tầm được đưa vào Tây Nguyên nuôi thử nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) đã được nuôi tại 21 tỉnh trong cả nước, chủ yếu ở khu vực phía Bắc và Tây Nguyên.

Cá tầm là loại cá nước ngọt xuất xứ từ vùng ôn đới, thích hợp với điều kiện khí hậu của Lâm Đồng. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Lâm Đồng có thời tiết khí hậu phù hợp cho phát triển nông nghiệp, trong đó có cá nước lạnh. Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, bắt đầu thử nghiệm từ năm 2006, đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 109 cơ sở nuôi cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) với tổng diện tích khoảng 54 ha và 640 lồng, bè trên hồ thủy lợi, thủy điện.

Các địa phương có phong trào nuôi cá nước lạnh phát triển mạnh như huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà và TP Đà Lạt. Sản lượng cá nước lạnh trên toàn tỉnh đạt 2.300 tấn/năm đem lại giá trị ước đạt tới 450 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm Lâm Đồng sản xuất trên 5 triệu con cá tầm giống phục vụ cho nhu cầu sản xuất cá tầm tại địa phương trong tỉnh và xuất bán cho một số tỉnh trong nước.

Việc tiêu thụ các sản phẩm cá nước lạnh trên địa bàn tương đối thuận lợi, do đã hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, cung ứng thức ăn và tổ chức thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, nghề nuôi cá nước lạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản.

Nhãn hiệu “Cá nước lạnh Đà Lạt” đã được Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ và được cấp chứng nhận năm 2013. Cùng với sản phẩm rau, hoa, cà phê, chè, tơ lụa,… cá nước lạnh trở thành sản phẩm nông nghiệp chính trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, toàn diện, hiện đại của tỉnh Lâm Đồng.

Xác định cá nước lạnh là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tỉnh Lâm Đồng tập trung nguồn lực đầu tư theo chiều sâu để hình thành chuỗi ngành hàng có giá trị tăng cao, đáp ứng năng lực cạnh tranh quốc tế.

Để góp phần thực hiện có hiệu quả việc phát triển nuôi cá nước lạnh bền vững trong thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất con giống cá nước lạnh có năng suất, chất lượng cao, tăng cường kiểm soát dịch bệnh và dự báo môi trường. Phát triển, mở rộng diện tích và lồng nuôi tại các hồ chứa, đập thủy lợi.

Xây dựng vùng phát triển nuôi cá nước lạnh phù hợp với điều kiện khí hậu, nguồn nước, giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là rừng tự nhiên. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước trên lĩnh vực thủy sản.

Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng con giống cá nước lạnh và giám sát chất lượng vật tư đầu vào, môi trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm cá nước lạnh. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!