Làm gì khi cá rô phi bị kém ăn, bơi lờ đờ?

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Cá rô phi bị kém ăn, bơi lờ đờ ở tầng mặt, một số con mắt bị lồi và mờ đục một, thân màu đen, xuất huyết trên da. Hỏi đây là bệnh gì và cách điều trị ra sao?

(Lê Văn Hải, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị)

Trả lời:

Theo mô tả, cá rô phi có thể bị bệnh xuất huyết lồi mắt do hai loài vi khuẩn chính là Streptococcus iniaeStreptococcus agalactiae gây ra. Bệnh có triệu chứng điển hình là mắt lồi và xuất huyết, tuy nhiên trong một số trường hợp, cá nhiễm bệnh không có biểu hiện rõ triệu chứng trước khi chết, mà chỉ xuất hiện hiện tượng đuôi bị ăn mòn, mang nhợt nhạt và có xuất huyết dạng điểm, trong trường hợp này cá thường chết với tỷ lệ cao trong thời gian ngắn.

Khi thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ nước tăng cao, pH nước cao > 8, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp, hàm lượng các khí độc như NH³, NO², H²S trong nước tăng cao do quá trình phân hủy chất hữu cơ, mật độ nuôi dày… là những yếu tố thuận lợi để bệnh xuất huyết lồi mắt phát triển và gây hại cho cá rô phi. Bệnh thường phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng và có mưa dông. Cá giống khi thả nuôi cũng có thể đã mang sẵn mầm bệnh, vì vậy, người nuôi khi mua cá giống nên chọn những cơ sở bán cá giống uy tín, cá giống phải có chứng nhận kiểm dịch. Quá trình vận chuyển cá giống phải bảo đảm không gây sốc nhằm nâng cao sức khỏe cho cá giống trước khi thả nuôi.

Khi thấy cá rô phi có biểu hiện bị nhiễm bệnh cần dừng cho cá ăn trong 1 ngày, kiểm tra toàn bộ ao nuôi và loại bỏ ngay những con chết và yếu. Diệt khuẩn môi trường nước ao nuôi bằng: Han Iodine, Han BKC, Hanmid, Han-Kon (liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất in trên bao bì). Tiếp đến, sử dụng Sulfamid với liều lượng 150 – 200 mg/ kg cá/ngày cho ăn liên tục trong 5 – 7 ngày, hoặc dùng Erythromyxin với liều lượng 2 – 5 g/100 kg cá/ngày trộn vào thức ăn và cho cá ăn liên tục từ 3 – 7 ngày. Khi sử dụng kháng sinh để trị bệnh, người nuôi nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Sau khi kết thúc dùng kháng sinh, tiếp tục bổ sung Vitamin C và men tiêu hóa vào thức ăn và cho cá ăn liên tục trong 10 ngày. Tốt nhất khi thấy cá có dấu hiệu nhiễm bệnh, người nuôi nên liên hệ với các cơ quan chức năng hoặc cán bộ chuyên trách để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!