Làm gì khi tôm chết sau mưa kéo dài?

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Tôm đang phát triển rất bình thường, nhưng sau trận mưa kéo dài 3 ngày các ao nuôi có hiện tượng tôm chết nhiều. Làm thế nào để xử lý hiệu quả?

(Nguyễn Văn Hòa, xóm Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An)

Trả lời:

Thời điểm hiện tại nhiều khu vực đã bước vào mùa mưa, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL mùa mưa kéo dài từ cuối tháng 5 đến tháng 11, gây ra những tác động không nhỏ cho việc nuôi tôm. Bởi đã có nhiều trường hợp tôm chết hàng loạt sau mưa kéo dài. Có nhiều nguyên nhân nào gây ra hiện hiện tượng tôm chết sau mưa, người nuôi cần phải quan tâm đến như:

– Mưa lớn khiến nhiệt độ, độ mặn, pH của nước giảm, Lúc này sức ăn của tôm sẽ giảm hơn so với mức thông thường khoảng 30%. Tôm dễ bị stress hơn.

– Lượng mưa lớn khiến nước ao tôm bị phân tầng làm hàm lượng ôxy hòa tan trong nước không xuống được đáy ao dẫn đến tình trạng thiếu hụt ôxy đáy, đặc biệt vào ban đêm. Tình trạng này kéo dài khiến tôm không đủ ôxy để hô hấp.

– Khi các biến động môi trường diễn ra sẽ làm tảo tàn đột ngột tạo ra nguồn dinh dưỡng cực kỳ lớn cho các sinh vật gây bệnh trong ao nuôi, cùng với vật chất hữu cơ tích tụ dưới đáy ao sẽ làm gia tăng khí độc H2S. Gây độc cho tôm, khiến mang tôm bị đen, sức đề kháng kém dễ bị các mầm bệnh xâm nhập.

– Mưa lớn, các hạt mưa va đập vào mặt nước tạo ra tiếng ồn khiến tôm bị stress. Tôm trốn xuống đáy ao và gặp điều kiện bất lợi dẫn đến hiện tượng tôm chết sau mưa và trong mưa.

– Trong cơn mưa, pH trong ao giảm mạnh sẽ kích thích tôm lột xác. Điều này sẽ rất dễ chết hàng loạt do thiếu ôxy, khí độc cao, sự thiếu hụt chất khoáng và các yếu tố độ cứng, độ kiềm, nhiệt độ của nước bị sụt giảm đột ngột.

– Sau những cơn mưa, mật độ vi khuẩn sẽ tăng nhanh, tôm đang bị sốc, sức đề kháng kém sẽ dễ dàng mắc một số bệnh như phân trắng, đen mang, bệnh gan tụy cấp tính… 

Để hạn chế thiệt hại, cần thực hiện các biện pháp sau:

– Trước khi mưa: nên rải vôi quanh bờ ao, để tránh giảm đột ngột các chỉ số như pH, độ kiềm, nhiệt độ nước ao.

– Lắp đặt hệ thống quạt nước, sục khí đúng tiêu chuẩn cho ao nuôi.

– Trong khi mưa, bật tất cả các hệ thống quạt nước, sục khí trong ao nuôi, để tránh phân tầng nước ao, giúp hàm lượng ôxy phân tán đều trong ao, tránh giảm nhiệt độ mạnh trong ao.

– Nếu mưa kéo dài nên giảm lượng thức ăn xuống từ 30 – 50% so với bình thường.

– Bổ sung vào thức ăn cho tôm ăn các loại khoáng chất, Vitamin C… để tăng cường sức đề khoáng cho tôm, giúp tôm giảm stress khi mưa.

– Tỷ trọng nước mưa sẽ nhẹ hơn nước lợ trong ao nên sẽ nằm trên mặt ao, do đó, sau khi mưa nên tháo nước tầng mặt ra khỏi ao nuôi.

– Liên tục kiểm tra pH trong quá trình mưa, nếu pH giảm thấp cần tiến hành rải thêm vôi quanh bờ ao.

– Sau cơn mưa nên kiểm tra và điều chỉnh lại các thông số môi trường nếu bị biến động, diệt khuẩn lại ao nuôi (trong khi mưa nước mưa có thể kéo 1 lượng lớn vi khuẩn có hại trên bờ ao xuống).

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!